Thiên đường [Truyện cổ tích Andersen]
Truyện cổ Andersen – Thiên đường
Thiên đường là câu chuyện cổ tích của Andersen, nhắc nhở chúng ta cần phải luôn giữ cho tâm
Thiên đường [Truyện cổ tích Andersen]
Truyện cổ Andersen – Thiên đường
Thiên đường là câu chuyện cổ tích của Andersen, nhắc nhở chúng ta cần phải luôn giữ cho tâm trí tỉnh táo để tránh xa những cám dỗ, mê hoặc trong cuộc sống.
Ngày xưa có một ông hoàng tử có nhiều sách quý nhất trần gian. Tất cả các sự kiện trên đời đều được ghi vào đó bằng lời văn và tranh ảnh. Lịch sử các dân tộc được kể lại rất chi tiết, nhưng không có cuốn sách nào tả đến hoặc nói đến Thiên đường.
Chính Thiên đường lại là nơi mà Hoàng tử luôn mơ tưởng đến.
Khi hoàng tử còn nhỏ tí, hoàng thái hậu thường kể rằng ở trên ấy, mỗi bông hoa là một cái bánh ngọt và trong đài hoa chứa một loại rượu vang hảo hạng. Trên mỗi bông lại có một vài sử ký, hoặc một bài địa lý, hoặc một bản cửu chương. Người ta chỉ cần ăn hoa là sẽ thuộc bài, và càng ăn nhiều lại càng biết nhiều về địa lý và sử ký.
Hồi còn nhỏ, hoàng tử rất tin chuyện ấy. Nhưng lớn lên, trí tuệ được mở mang, hoàng tử cảm thấy Thiên đường phải chứa đựng nhiều cái thú vị hơn thế. Chàng tự hỏi:
– Tại sao bà Eva lại đi hái quả táo ở cây Trí tuệ làm gì nhỉ? Và tại sao Adam lại ăn quách quả táo ấy nhỉ?
Và cứ thế, tất cả tâm trí chàng hướng về Thiên đường.
Một hôm, chàng đi dạo một mình trong rừng; đó cũng là cách giải trí mà chàng ưa thích nhất. Chiều đến, mây kéo ùa tới mà mưa xuống như thác đổ. Đêm tối như mực, hoàng tử hết dẫm phải đá lại trượt chân trên cỏ ướt. Mưa thấm ướt quần áo chàng. Bỗng chàng nghe thấy tiếng nổ lép bép kì lạ và thấy mình đang ở trước một cái hang sáng rực. Giữa hang một đống lửa lớn đang cháy, trên đó người ta đang quay một con nai, có sắt xuyên qua, hai đầu xiên đặt trên hai cành cây.
Một bà cụ to lớn và cứng cáp như đàn ông, đang ngồi quẳng từng bó cành cây vào đống lửa. Bà lão nói với hoàng tử:
– Lại đây mà hơ quần áo!
– Ở đây gió lùa rợn cả người! – Hoàng tử vừa đáp vừa ngồi xuống đất.
– Lát nữa các con già về, còn lộng hơn thế này kia – bà lão đáp. – Đây là hang Gió và các con già là gió bốn phương. Hoàng tử hiểu không?
– Hiểu, nhưng họ đi đâu cả thế, hở cụ?
– Hỏi vớ vẩn! Chúng nó sống tự do và muốn đi đâu thì đi, chẳng cần xin phép già. Chúng đang chơi đá bóng với các đám mây ngoài trời kia kìa! (Vừa nói bà vừa nhìn lên trời). Chàng phải biết là lũ con già cứng đầu cứng cổ lắm nhá! Chàng có trông thấy bốn cái bao treo trên tường kia không? Lũ con già nhìn thấy mấy cái bao ấy cứ gọi là run lên như trẻ con nhìn thấy roi ấy. Già cứ nhét chúng vào bao là chứng nào tật nấy phải chừa tuốt. Đây này, một đứa về đấy.
Đó là Gió Bấc. Hắn mang về một luồng gió lạnh buốt. Hắn rải trên đất những hạt mưa đá và bông tuyết. Hắn mặc một chiếc quần chẽn và một chiếc áo choàng bằng da gấu, đội một chiếc mũ bịt cả tai bằng da hải cẩu. Từng mảnh băng dài bám lủng lẳng vào râu hắn.
– Chớ có vào gần lửa – Hoàng tử nói – Nứt nẻ chân tay ra đấy!
Gió cười:
– Nứt nẻ! Đối với tôi nứt nẻ da là khoái nhất! Nhưng này, cậu bé là ai thế nhỉ? Sao cậu lại vào được cái hang này?
– Khách của mẹ đấy – Bà lão nói – Nếu con còn thắc mắc hãy chui vào bao một lát sẽ rõ. Hiểu chưa?
Thế là đủ rồi. Gió vội vàng kể chuyện gió vừa ở đâu về và tháng trước gió đã làm gì.
– Con vừa ở bể băng về. Con đã ở trên đảo Gấu với một đoàn người Nga đi săn hải báo.
Bà lão nói:
– Con hãy tả tỉ mỉ hơn một chút! Thế là con ở đảo Gấu về đấy ư?
– Vâng, và đảo Gấu quả thật là đẹp. Giá mà khiêu vũ trên đảo ấy thì thật là tuyệt. Nhẵn và bóng như gương ấy, chỉ trông thấy một chút rêu nổi rải rác trên mặt tuyết. Nhưng chẳng bao giờ thấy ánh mặt trời cả, hình như mặt trời không chiếu tới nơi ấy thì phải. Trên đảo có một ngôi nhà làm bằng mảnh tàu vỡ, sơn màu đỏ và xanh lá cây, trên mái nhà có một con gấu trắng đang gầm gừ. Gần bờ biển, đàn hải cẩu đang trườn trên băng giá, đầu như đầu lợn và răng thì dài đến hơn một mét… À, anh Gió Tây đã về kia rồi! Con thích anh ấy nhất, anh ấy mang theo gió bể về đây, hơi lạnh, nhưng dễ chịu.
– Có phải là Gió May không? – Hoàng tử hỏi.
– Phải – Bà mẹ đáp – Nhưng nó cũng chẳng dễ chịu lắm đâu! Trước kia nó là một đứa bé xinh xắn, nhưng nay đã thay đổi nhiều.
Thật vậy, trông gió như một người rừng, cầm trong tay một cây trùy bằng gỗ đào hoa tâm chặt ở một khu rừng bên châu Mỹ.
– Con ở đâu về? – Bà mẹ hỏi.
– Ở những khu rừng hoang vu đầy sư tử và rắn rết, nơi mà loài người không sinh sống được.
– Con làm gì ở đấy?
– Con rong ruổi trên thảo nguyên, và có lúc lồng lộn lên, làm lắc lư những đám cây dừa và làm cho lũ ngựa rừng hoảng sợ. Nhiều chuyện lắm, kể không hết được. Cũng không nên nói tất cả những chuyện mình biết, phải không mẹ?
Gió ôm bà lão mà hôn, thô bạo đến nỗi suýt nữa bà lão ngã lăn kềnh.
Gió Nam cũng vừa về tới nơi, mình khoác áo choàng kiểu Ả Rập, đầu chít khăn.
– Chà! Ở đây rét khiếp! (Gió vừa nói vừa quẳng thêm củi vào đống lửa). Đúng là gió Bấc về rồi.
Gió Bấc nói:
– Dào! Nóng đến nỗi có thể quay cả một con gấu trắng ấy chứ!
– Này, ngu như gấu ấy! – Gió Nam gắt.
– Liệu có cần cho chúng mày vào bao không? – Bà lão nói. Gió Nam hãy ngồi xuống và kể cho mẹ nghe con ở đâu về.
– Ở Châu Phi về đấy, mẹ ạ. Con đã gặp một đoàn người băng qua sa mạc, phải giết con lạc đà cuối cùng để lấy nước uống. Nhưng dạ dày lạc đà ít nước quá. Mặt trời như thiêu như đốt, cát nóng bỏng. Con bốc cát lên, cuộn thành một cơn lốc, thành những cột cát khổng lồ. Giờ đây cả đoàn đã bị chôn vùi dưới cát rồi. Trên xác họ, cát đã chất thành núi. Nếu lần sau qua nơi ấy, con sẽ thổi vào đống cát, xương cốt sẽ lộ thiên, mặt trời sẽ làm trắng xương ra và ai qua đó sẽ thấy rằng trước họ đã có người bỏ xác ở đó.
– Thế là mày toàn làm những điều ác, bà mẹ nói, chui ngay vào trong bao!
Và hắn chưa kịp chống cự thì và đã ôm chặt lấy hắn, tống cổ vào bao. Hắn lồng lộn ở trong bao. Nhưng bà lão ngồi lên bao làm hắn phải nằm yên. Hoàng tử nói:
– Các ông con của bà thật là đáo để!
– Đúng thế – Bà lão đáp – Nhưng chàng thấy tôi cũng chẳng phải tay vừa đấy chứ? À, thằng thứ tư về đây rồi!
Đó là gió Đông, mặc quần áo kiểu Trung Quốc.
– Ơ kìa! Con ở Trung Quốc về đấy ư? – Bà mẹ hỏi – Mẹ cứ tưởng con lên Thiên đường.
– Không, mai con mới lên trên ấy, Gió Đông nói. Thế là vừa đúng một trăm năm con mới trở lên trên ấy. Con ở Trung Quốc về, ở đấy con đã lắc chuông trên lầu Hoàng cung.
Bà mẹ nói:
– Toàn chuyện tếu cả. Mai con lên Thiên đường có lẽ bổ ích hơn. Lên đấy, nhớ lấy cho mẹ vài chai nước ở suối Chân lý.
– Con sẽ nhớ – Gió Đông nói – Nhưng sao mẹ lại nhét anh gió Nam vào bao thế? Cho anh ấy ra ngoài đi để anh ấy kể chuyện về Phượng hoàng cho con nghe.Vì cứ trăm năm một lần, khi con lên thăm, lần nào nàng công chúa trên ấy cũng hỏi thăm tin tức của Phượng hoàng. Thôi đi mẹ, mở bao thả anh ấy ra. Con mang về cho mẹ một ít chè tươi, tự tay con hái đấy.
– Chỉ vì nể con, con cưng của mẹ, và cũng vì con đã hái chè mang về biếu mẹ, nên mẹ cũng vui lòng tha cho anh con.
Bao vừa mở ra. Gió Nam liền chui ra. Hắn ta xấu hổ, hẳn vì có hoàng tử ngồi đấy. Hắn nói:
– Đây là một tàu lá cọ để em đưa cho công chúa. Chính Phượng hoàng con đã trao cho anh. Phượng hoàng bố đã viết lại chuyện mình trong một trăm năm qua, đã tự tay đốt tổ mình. Nằm giữa khói lửa, Phượng hoàng vẫn điềm nhiên lấy mỏ viết vào lá cọ, tự thiêu sống như phụ nữ Ấn Độ tuẫn táng chết theo chồng. Cuối cùng, Phượng hoàng chỉ còn lại là một đống tro tàn, và trong đống lửa, chỉ còn lại một quả trứng màu đỏ. Trứng nổ, Phượng hoàng non chui ra. Giờ đây phượng hoàng con là vua các loài chim.
Bà mẹ nói:
– Đến giờ ăn rồi.
Tất cả ngồi lại ăn thịt nai quay. Hoàng tử ngồi bên Gió Đông và chẳng bao lâu đã trở thành đôi bạn thân. Hoàng tử bắt đầu câu chuyện:
– Gió hãy cho tôi biết về nàng công chúa và cái Thiên đường các anh vừa nói tới.
– Thế à! Nếu hoàng tử muốn lên đấy thì mai đi với tôi. Nhưng tôi cần phải nói trước cho hoàng tử biết là từ thuở Adam và Eva đến nay chưa có một người nào vào đến nơi đó. Chắc hoàng tử đọc kinh thánh, cũng biết chuyện ấy chứ?
– Tất nhiên, Hoàng tử đáp.
– Khi Adam và Eva bị đuổi, Thiên đường lún xuống đất, nhưng khu vườn nơi đó vẫn còn giữ được ánh nắng, không khí ấm áp và cảnh tượng huy hoàng, ở đấy có một hòn đảo và là nơi ở của nàng tiên Hạnh phúc. Đời sống ở đấy thật là sung sướng. Ngày mai hoàng tử cưỡi lên lưng tôi, tôi sẽ đưa đi.
Sáng sớm, hoàng tử tỉnh giấc và ngạc nhiên thấy mình đang ở trên mây. Chàng ngồi vững chắc trên lưng Gió Đông. Rừng núi, đồng cỏ, sông ngòi và biển cả hiện ra dưới mắt chàng như một bản đồ đủ màu sắc.
Gió Đông nói:
– Ngủ một giấc ngon lành đấy chứ, thưa hoàng tử? Hoàng tử có thể ngủ thêm tí nữa, vì ở đấy chẳng có gì đáng xem, ngoài cái việc đếm gác chuông nhà thờ cho đỡ buồn.
Hoàng tử nói:
– Thật tôi chẳng lễ độ chút nào, tôi ra đi mà chẳng có lời từ biệt cụ và các anh kia.
– Khi người ta đang ngủ thì từ biệt thế quái nào được?
Nói rồi gió bay nhanh hẳn lên.
Tối đến, quang cảnh các thành phố lớn đẹp tuyệt vời. Đèn dần dần thắp lên. Hoàng tử thích quá vỗ tay lia lịa. Gió Đông bảo chàng nên cẩn thận, kẻo vô phúc mà lăn nhào xuống thì có mà tan xác.
Gió bay nhanh hơn cả con chim ưng đang lướt trên khu rừng âm thầm. Một kỵ binh người Nga đang phi nước đại ở dưới đất, gió cũng phóng nhanh hơn.
Gió Đông nói:
– Hy Mã Lạp Sơn đây rồi! Đó là ngọn núi cao nhất thế giới. Chúng ta sắp đến Thiên đường.
– Đến Thiên đường rồi ư? Hoàng tử hỏi.
– Không, chưa đến! – Gió đáp – Nhưng chẳng còn xa nữa đâu, Hoàng tử có trông thấy cái cửa động đằng kia không?
Nói rồi gió hạ xuống trước cửa động.
Họ vào trong động. Rét khủng khiếp. Nhưng chỉ rét một lát thôi. Gió Đông dang đôi cánh lấp lánh như một luồng ánh sáng chói chang.
Đường xuyên qua động có đoạn hẹp lại, phải bò sát đất mới tiến được, có đoạn lại cao và rộng thênh thang.
Hoàng tử nói:
– Đường lên Thiên đường khúc khuỷu đến thế này ư?
Gió Đông không đáp lại, nhưng lấy tay chỉ về phía trước, một luồng ánh sáng xanh lộng lẫy đang rực lên ở phía ấy.
Những ngọn nhũ thạch trong vắt rủ xuống trên đầu họ, trông như những đám mây trắng dưới ánh trăng. Không khí ở đây êm dịu và thơm phức, trong sạch như trên núi cao, ngát hương như những bông hồng dưới thung lũng.
Một con suối chảy qua đấy, trong vắt như không khí, cá vàng cá bạc bơi theo dòng suối. Những con lươn đỏ xậm nhoi lên lặn xuống, làm tung toé lên những tia ánh sáng. Những tàu lá sen to lấp lánh đủ màu cầu vồng, hoa sen nom như những ngọn lửa đỏ rực. Một nhịp cầu bằng đá hoa, một tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu, trông như làm bằng đăng ten và ngọc trai, vắt qua suối sang đảo Hạnh phúc, ở giữa Thiên đường.
Gió Đông cắp hoàng tử trong nách. Hoa lá cất tiếng hát những bài hát tuyệt diệu mà chàng đã được nghe trong thời thơ ấu, nhưng với một giọng du dương hơn giọng người.
Trên thảm cỏ, đàn công đang xoè đuôi. Hoàng tử lại gần. Thần diệu thay! Không phải là chim công tuyệt đẹp. Sư tử và hổ báo nhảy qua hàng rào ô liu đang nở hoa, nhẹ nhàng và hiền lành như những con mèo con. Đàn chim cu đến đậu trên bờm sư tử. Mấy con sơn dương đứng bên cạnh sư tử mà chẳng sợ hãi tí nào.
Nàng tiên xuất hiện, nét mặt hiền từ, xiêm y lóng lánh như ánh thái dương. Một đoàn thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đi theo nàng, trên làn tóc của mỗi người có đính một ngôi sao vàng.
Gió Đông đưa cho nàng tiên tấm lá cọ. Đôi mắt nàng ánh lên niềm vui sướng. Nàng cầm tay hoàng tử và dắt chàng vào lâu đài: tường lâu đài lóng lánh như những cánh hoa uất kim hương dưới ánh mặt trời. Trần nhà chạm trổ như một đoá hoa khổng lồ sáng lấp lánh, càng nhìn càng thấy cao mãi lên.
Hoàng tử đi lại phía cửa sổ và nhìn ra ngoài. Chàng trông thấy Adam và Eva đang đứng gần gốc cây Trí tuệ. Hoàng tử nói:
– Tôi tưởng họ đã bị đuổi ta khỏi Thiên đường kia mà!
Nàng tiên mỉm cười và cho chàng hay rằng cảnh tượng chàng nhìn thấy chỉ là hình ảnh tạc trên kính mà thôi. Đó là tác phẩm của thời gian, người thợ khéo nhất trong tất cả những người thợ khéo.
Nàng nói tiếp:
– Chúng ta hãy ra sông, lên thuyền để đi dạo mát một chút, Thuyền sẽ bập bềnh, nhưng không chuyển động, danh lam thắng cảnh trên thế gian sẽ lần lượt diễu qua trước mắt chúng ta.
Họ ra sông và trèo lên thuyền. Cảnh vật thật là kỳ diệu, không bút nào tả xiết. Hai bên bờ hình như đang chuyển động.
– Tôi có thể ở đây mãi được không? – Hoàng tử nói.
– Cái đó tuỳ ở chàng! Nàng tiên đáp. Nếu chàng không bị cám dỗ như Adam, chàng có thể ở lại đây suốt đời.
– Được, tôi sẽ không sờ vào quả của cây Trí tuệ. Ở đây còn khối quả đẹp như thế!
– Hãy nghĩ cho kỹ. Nếu chàng cảm thấy không vững vàng lắm thì nên quay về với gió. Một trăm năm nữa gió mới trở lại đây. Thời gian đó đối với người ở đây không dài hơn một giờ, nhưng cũng đủ để chàng sa ngã. Chiều chiều, khi chia tay, tôi sẽ nói với chàng: “Lại đây với tôi!”. Tôi sẽ vẫy tay làm hiệu, nhưng chàng chớ có theo tôi. Mỗi bước theo tôi, ý chí của chàng sẽ yếu đi và cuối cùng chàng sẽ theo tôi tới gian phòng có cây Trí tuệ. Tôi ngủ ở dưới bóng cây, ngào ngạt hương thơm. Chàng sẽ cúi xuống gần tôi, lúc đó nếu chàng hôn lên môi tôi thi lập tức Thiên đường sẽ tụt xuống đất.
Hoàng tử nói với một giọng quả quyết:
– Tôi xin ở lại!
Gió Đông hôn lên trán chàng.
– Hãy giữ vững ý chí ấy. Trăm năm nữa chúng ta sẽ lại gặp nhau.
Nói rồi, gió tung đôi cánh sáng rực như ánh chớp.
Hoa lá, cỏ cây chúc gió lên đường bình yên.
Đàn cò và đàn chim bồ nông bay thành hàng dài tiễn đưa gió đến tận địa giới Thiên đường. Nàng tiên nói:
– Chúng ta bắt đầu nhảy và khi mặt trời lặn tôi sẽ rủ chàng đi với tôi. Chàng nhớ là đừng nghe tôi. Suốt một trăm năm tôi sẽ rủ rê chàng nhiều lần như vậy, nhưng nếu chàng tự kiềm chế được thì qua mỗi lần thử thách, ý chí chàng càng thêm vững chắc, và cuối cùng cũng không nghĩ đến chuyện theo tôi nữa.
Nói rồi, nàng tiên dẫn chàng tới một gian phòng trang trí toàn hoa huệ trắng trong suốt, mỗi nhụy hoa hình thành một chiếc thụ cầm nhỏ bằng vàng, tiếng thụ cầm réo rắt như tiếng sáo. Một đoàn thiếu nữ xinh đẹp, xiêm áo toàn bằng lụa, hát lên những bài hát ca ngợi cuộc sống êm dịu, cuộc sống bất diệt, và cầu mong Thiên đường đời đời nở hoa.
Mặt trời lặn. Bầu trời nom như một biển cả đầy ánh sáng, các đoá hoa huệ trong phòng rực sáng lên.
Cây Trí tuệ lấp lánh. Một bài hát du dương vang lên. Hoàng tử nghe thấy giọng nói quen thuộc của hoàng thái hậu:
– Con, con yêu quý của mẹ!
Nàng tiên ra hiệu cho chàng và reo lên:
– Lại đây với tôi! Lại đây với tôi!
Lập tức chàng quên lời hứa. Nàng vẫn ra hiệu cho chàng và mỉm cười duyên dáng. Hoa toả hương thơm, thụ cầm vang lên du dương trầm bổng, hàng triệu cặp môi đang mỉm cười trong gian phòng có cây Trí tuệ.
Thụ cầm hát bài: “Phải nếm đủ mùi đời, người là chúa tể trên trái đất”.
Vẫn có tiếng gọi:
– Lại đây với tôi! Lại đây với tôi!
Qua mỗi bước đi, má hoàng tử càng nóng bỏng lên, mạch càng đập mạnh. Chàng nói to:
– Nghe theo tiếng gọi trái tim, phải đâu là tội lỗi? Say mê sắc đẹp và đi tìm thú vui cũng là chuyện người ta thường tình, huống chi ta chỉ ước mong được ngắm nàng đắm chìm trong giấc mộng. Miễn là đừng có hôn vào môi nàng là chẳng có thể xảy ra chuyện gì cả. Nhất định ta sẽ giữ được mình. Ta cảm thấy vững vàng và cương quyết hơn bao giờ hết.
Hoàng tử lại nói:
– Ta chưa sa ngã và nhất định ta sẽ không sa ngã.
Nàng tiên rẽ cành và dấu mình vào trong lá cây.
Hoàng tử vén cành lá lên và trông thấy nàng tiên đang nằm ở đấy. Nàng mỉm cười trong giấc mơ. Chàng cúi xuống mặt nàng và nhìn thấy những giọt lệ tuôn từ trong mắt nàng ra như những viên ngọc trai.
– Có phải vì tôi mà nàng khóc không? – Chàng thì thầm – Đừng khóc nữa, bạn rất thân yêu của tôi! Chỉ đến phút này tôi mới cảm thấy thế nào là Thiên đường, thế nào là Hạnh phúc. Hạnh phúc đang hòa vào máu tôi, đang tràn ngập trái tim tôi. Trong con người trần tục của tôi bỗng nhiên có một sức sống gần như vô tận. Cầu mong cho bóng đêm vĩnh cửu hãy ôm ấp lấy tôi! Một phút như phút này cũng thoả đời rồi.
Và chàng hôn lên những giọt nước mắt của nàng tiên, môi chàng ép vào môi nàng…
Bỗng một tiếng sét xé tan bầu trời, một tiếng sét khủng khiếp chưa từng thấy. Nàng tiên, vườn Thiên đường, tất cả sụp xuống đất. Hoàng tử rơi xuống, rơi mãi. Chàng thấy mọi vật cùng theo chàng rơi vào vực thẳm tối om, chỉ còn một ngôi sao nhỏ tí đang lấp lánh ở đằng xa. Cái chết lạnh ngắt làm chân tay chàng run rẩy. Chàng nhắm mắt lại. Mưa lạnh buốt quất vào mặt chàng. Một luồng gió rét cắt ruột nổi lên. Dần dà chàng hồi tỉnh và kêu lên:
– Ta đang làm gì thế? Trời! Ta đã sa ngã như Adam! Ta đã phạm tội và mất cả Thiên đường!
Chàng mở mắt ra. Ngôi sao lấp lánh từ lúc Thiên đường sụp đổ, vẫn còn loé sáng. Chàng ngồi dậy và thấy mình đang ở trong khu rừng lớn, gần hang Gió, bà mẹ Gió đang ngồi gần chàng. Bà ta bất bình và giơ tay doạ:
– Ngay từ tối đầu tiên! Ta đã biết mà! Nếu chàng là con ta thì ta sẽ tống cổ vào bao!
Vào lúc đó, Thần Chết hiện ra và nói:
– Thôi để ta xử lý cho!
Thần là một ông lão rất khoẻ, có đôi cánh đen, tay cầm lưỡi hái.
– Giờ ta chỉ đánh dấu vào người hắn và cho hắn ngao du trên mặt đất, hối lỗi để rồi trở nên người tốt. Lúc nào hắn ít nghĩ tới sự chết nhất, ta sẽ đặt hắn vào một cỗ quan tài đen và mang hắn lên các vì sao. Nơi ấy cũng có một Thiên đường. Nếu hắn đứng đắn và phúc hậu, hắn sẽ được vào đấy. Trái lại, nếu trái tim hắn đầy tội lỗi, hắn sẽ cùng quan tài rơi xuống vực sâu. Và chỉ sau hàng ngàn năm ta mới có thể gặp lại hắn để tống hắn xuống sâu hơn nữa, hoặc đưa hắn lên ngôi sao đang lấp lánh trên cao kia, tuỳ mức độ tu dưỡng của hắn.
Câu chuyện Thiên đường
Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn dịch
Nguồn: Truyện cổ Anđecxen – tập 2, trang 237, NXB Đà Nẵng – 1986
– thuvienso.com.vn –
Tìm mua Truyện cổ Andersen toàn tập
Nếu muốn, các bạn có thể đặt mua bộ Truyện cổ Andersen toàn tập về đọc với chất lượng giấy tốt và hình ảnh minh họa vô cùng đẹp mắt.
Mua truyện tại Fahasa Mua truyện tại Tiki Mua truyện tại Shopee
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Ngoài câu chuyện Thiên đường kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại thuvienso.com.vn.
Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.
Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.
Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.
Thiên đường [Truyện cổ tích Andersen]
Truyện cổ Andersen – Thiên đường
Thiên đường là câu chuyện cổ tích của Andersen, nhắc nhở chúng ta cần phải luôn giữ cho tâm