giac-mo-cua-pho-ma

Giấc mơ của phò mã [Truyện cổ tích Việt Nam]
Truyện cổ tích Giấc mơ của phò mã
Giấc mơ của phò mã là câu chuyện cổ tích cho thấy những giá trị về tinh thần

Giấc mơ của phò mã [Truyện cổ tích Việt Nam]

Truyện cổ tích Giấc mơ của phò mã

Giấc mơ của phò mã là câu chuyện cổ tích cho thấy những giá trị về tinh thần mà tiếng hát lời ca mang lại, giúp cuộc sống trở nên vui vẻ và tươi đẹp hơn.

Phò mã Đoàn trong câu chuyện đã tìm cách cấm lưu truyền tiếng hát lời ca mà người bạn cũ sáng tác, nhưng cuối cùng chàng cũng hiểu ra rằng: nếu như thiếu những điều đó, cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt, buồn chán.

Xưa có hai thầy khóa [1] cùng ở một làng. Một người tên là Thiện, người kia tên là Đoàn. Cả hai cùng văn chương lỗi lạc, cùng chữ đẹp như rồng bay phượng múa, lại cùng yêu một cô hàng xóm xinh đẹp. Một ngày kia, được biết nỗi lòng của hai thầy khóa, cô gái bảo: đến kì thi sắp tới, cả hai thầy cùng đi thi, ai đỗ cao hơn, nàng xin lấy làm chồng.

Khóa thi năm ấy, Đoàn và Thiện rủ nhau ra kinh đô để dự thi. Thi xong, họ hồi hộp trông ngóng ngày xướng danh. Nhưng tự nhiên năm đó, ngày xướng danh bỗng chậm trễ hẳn. Thì ra các chủ khảo cùng băn khoăn trước hai bài văn được ngang bằng điểm nhau. Hội đồng thi phải họp bàn lại để quyết định việc hơn kém. Nhưng khi soát lại thì không ai dám quả quyết bài nào hay hơn bài nào.

Quan chánh chủ khảo [2] đành dâng hai bài văn lên nhà vua để nhà vua ngự lãm [3], rồi tùy ý định đoạt. Lạ thay, nhà vua cũng không định đoạt được sự hơn kém của hai áng văn này. Cuối cùng, nhà vua bèn cho cả hai người cùng đỗ thủ khoa [4] rồi ban tặng mỗi người một chén rượu quý. Hai vị tân khoa [5] nhấp môi vào chén rượu và cũng mỉm cười vì nghĩ đến sự băn khoăn của cô hàng xóm khi hay tin cả hay thầy khóa cùng đỗ thủ khoa.

Thấy hai vị tân khoa mỉm cười, nhà vua lấy làm lạ bèn gặng hỏi. Thiện và Đoàn đành cúi đầu bày tỏ câu chuyện thách cưới của cô hàng xóm. Nhà vua thấy câu chuyện hay hay, ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

– Trẫm nghĩ ra cách này có thể khiến các khanh khỏi phải bối rối. Trẫm đang kén một phò mã để sánh duyên cùng con gái trẫm. Trong hai khanh, trẫm sẽ tuyển lấy một người.

Nói đoạn, nhà vua nhìn Thiện, hỏi:

– Ý khanh thế nào?

Thiện cúi đầu thưa:

– Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ: Công chúa là bậc cành vàng lá ngọc, còn thần là một kẻ nho sĩ, chỉ vì gặp may mà lọt tới bệ rồng. Thần đâu dám điên cuồng àm nghĩ tới người ở chốn gác tía, lầu son…

Nghe lời tâu của Thiện, nhà vua tỏ ý không bằng lòng, nhưng vẫn giữ nét mặt vui tươi. Ngài quay sang phía Đoàn, hỏi:

– Thế còn khanh nghĩ sao?

Đoàn bối rối tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, thần xin vâng lời bệ hạ để người bạn chí thiết của thần đây đạt được ước nguyện của mình.

Từ đó, Đoàn và Thiện mỗi người theo một ngả đường đời: Thiện trở về làng cưới cô gái láng giềng, sống cuộc đời giản dị, suốt ngày vịnh phú, ngâm thơ trong bóng tre xanh. Thơ phú của chàng dần dần được truyền tụng khắp dân gian. Còn Đoàn ở lại kinh đô, lấy công chúa, làm quan to. Được vua tin dùng, phò mã Đoàn ngày càng trở nên hống hách. Chàng gây bè kết cánh, dèm pha các trung thần khiến họ bị cách chức. Chàng khó chịu nhất là đi đến đâu cũng nghe thấy những trẻ mục đồng, những cô thôn nữ, những cụ già râu tóc bạc phơ… ngâm nga những câu thơ của người bạn mình khi xưa.

Hồi ấy, nhà vua tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, tinh thần không được sáng suốt như trước. Ngài sinh ra khó tính, hay cáu gắt. Một hôm, tỉnh dậy sau một giấc ngủ mê mệt, ngài thấy chốn hoàng cung lộng lẫy bỗng như tối tăm, bé nhỏ. Vì vậy, ngày nảy ra ý muốn đi du ngoạn một chuyến.

Chuyến du ngoạn làm nhà vua rất ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của những người dân trong nước ngài tuy nghèo khó, vất vả nhưng thật là vui vẻ. Trên những cánh đồng ở chốn hương thôn, đâu đâu người ta cũng ngâm vang những bài thơ, bài hát mà nhà vua không biết là của một vị thủ khoa trước đây ngài đã cho đỗ ngang bậc với phò mã. Hóa ra người dân thường sống sung sướng hơn cả ngài – một ông vua lúc nào cũng đau ốm, gắt gỏng, buồn bã.

Trở về triều đình, nhà vua cho triệu phò mã Đoàn vào phàn nàn:

– Trẫm là vua của muôn dân, vàng bạc châu báu không thiếu thứ gì, vậy mà thấy mình không được sung sướng bằng những kẻ thường dân nghèo nơi thôn dã, lúc nào miệng cũng vui ca.

Nghe lời vua phán, phò mã tự nhận lỗi mình đã sơ ý để các thần dân khiến đức vua buồn bực. Chàng hứa từ nay sẽ không để đức vua bận tai, phiền lòng vì những bài ca, tiếng hát nữa.

Thế rồi, ngay hôm sau, khắp nước đâu đâu cũng ban bố lệnh cấm dân gian không ai được hội hè, vui hát. Từ bấy giờ, trên khắp đất nước vắng bặt những tiếng hát, lời ca. Những cánh đồng trở nên lạnh lẽo, những cánh rừng đượm vẻ buồn bã, âm u. Nhưng trăm họ dẫu buồn, nhà vua cũng đâu phải nhờ thế mà vui vẻ, sung sướng hơn lên.

Một buổi sáng, vừa lúc tan chầu, nhà vua thấy lính của ngài dẫn đến trước mặt ngài vợ chồng một nhà nho. Ngài nhận ra đó là vợ chồng thủ khoa Thiện. Vợ chồng chàng bị kết tội không tuân lệnh cấm, vẫn tiếp tục ngâm thơ, ca hát.

Nhà vua quát hỏi chàng Thiện:

– Vì sao ngươi dám chống lệnh ta, vẫn ca ngâm, xướng hát? Trẫm buồn bực thì bây tôi có nên yên hưởng sung sướng không?

Chàng Thiện bình tĩnh đáp:

– Thưa bệ hạ, nước nhà đang thái bình, muôn dân vui vẻ, nên mới hát ca. Đáng ra bệ hạ nên mừng mới tôn được công đức của ngôi rồng.

Nhà vua không biết nói thế nào, đành hạ lệnh bắt giam hai vợ chồng chàng Thiện. Chứng kiến cảnh tượng đó, phò mã Đoàn cảm thấy rất bất ngờ. Chàng thẫn thờ cả người vì tuy ghe tức với người bạn thân thuở trước, nhưng chàng không có ý hãm hại bạn.

Thế rồi, một hôm phò mã đi du ngoạn phố phường để xem dân gian làm lụng thế nào. Phò mã giật mình. Thiên hạ vẫn làm ăn chăm chỉ nhưng phố xá yên ắng, tẻ ngắt, người nào người nấy mặt mũi buồn thiu. Gặp một ông già râu tóc bạc phơ đang mài dao, chàng bèn gặng hỏi vì sao thiên hạ giờ như câm điếc cả vậy. Ông già bảo:

– Ngày trước, chúng tôi làm việc vui vẻ lắm. Vừa làm chúng tôi vừa hát ca cho quên nỗi mệt nhọc, công việc nhờ vậy thành ra nhẹ nhàng, cuộc sống trở nên dễ chịu. Nhưng từ ngày có lệnh cấm hát ca, ai nấy chẳng những không dám hát ca mà còn chẳng dám nói năng nữa. Người ta sợ nói ra nhỡ sơ ý phạm thượng đức vua hoặc phật lòng phò mã.

Phò mã níu tay ông lão, xin ông bảo cho biết bây giờ phải làm thế nào. Ông cụ giả điếc, ra công miết mạnh lưỡi dao trên đá. Phò mã cố níu tay ông già. Ông tức mình đẩy mạnh phò mã. Phò mã giật mình tỉnh dậy, người ướt đầm mồ hôi. Té ra là một giấc chiêm bao kinh dị.

Phò mã như người vừa sống dậy. Ngài lập tức thắp nến cho sáng rồi cặm cụi thảo sớ tâu lên nhà vua xin tha tội cho vợ chồng chàng Thiện và cho phép muôn dân được tự do vui đùa, ca ngâm như trước.

Thế là vợ chồng chàng Thiện lại tiếp tục sống cuộc đời thong tả, ung dung, tha hồ tự do ngâm thơ, đề phú. Dân gian khắp chốn thành thị, hương thôn bừng sống lại cuộc đời rộn ràng, náo nhiệt thuở xưa… Còn đức vua cũng cảm thấy lòng vui vẻ, tâm hồn thư thái khi ngài biết vui niềm vui của dân chúng.

Giấc mơ của phò mã – Truyện cổ tích Việt Nam
Theo Vị Hồ
Nguồn: Truyện đọc lớp 4, trang 176, NXB Giáo dục – 2021
– thuvienso.com.vn –


Chú thích trong câu chuyện

Thử thách trong câu chuyện Giấc mơ của phò mã

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Giấc mơ của phò mã kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại thuvienso.com.vn.

Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.

Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.

Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.

Giấc mơ của phò mã [Truyện cổ tích Việt Nam]
Truyện cổ tích Giấc mơ của phò mã
Giấc mơ của phò mã là câu chuyện cổ tích cho thấy những giá trị về tinh thần

Share This Article
Leave a comment