Làm theo lời vợ dặn [Truyện cổ tích hài hước Việt Nam]
Câu chuyện Làm theo lời vợ dặn
Làm theo lời vợ dặn là truyện cổ tích Việt Nam, châm biếm những người
Làm theo lời vợ dặn [Truyện cổ tích hài hước Việt Nam]
Câu chuyện Làm theo lời vợ dặn
Làm theo lời vợ dặn là truyện cổ tích Việt Nam, châm biếm những người đàn ông chỉ biết sống phụ thuộc vào vợ, khiến mình trở thành trò cười cho thiên hạ.
Ngày xưa có một anh chàng ngốc nghếch đần độn. Vợ anh thấy chồng ăn không ngồi rồi ngày này sang ngày khác, thì không được vui lòng. Cho nên một hôm, vợ anh thủ thỉ:
– Ngồi ăn núi lở. Anh phải đi làm một nghề gì nuôi thân, nếu không thì khó mà ăn ở với nhau được lâu dài.
Ngốc ta đáp:
– Tôi chữ nghĩa không có, đi cày thì dở, làm thợ thì dốt, biết làm nghề gì đây?
– Đi buôn vậy – người vợ trả lời – Tôi sẽ đưa tiền cho anh để anh đi buôn.
– Buôn gì?
– Cái gì có lãi thì buôn. Đầu thì buôn vịt buôn gà, sau thì buôn gỗ làm nhà cũng nên.
Mấy hôm sau, Ngốc cầm tiền ra đi. Quá một thôi đường, anh nhìn thấy có một bầy vịt độ một chục con đang kiếm ăn trên mặt đầm. Anh đi tìm chủ bầy vịt để hỏi mua. Gặp một đám trẻ chăn trâu đang chơi trên bờ đầm, anh ghé lại hỏi:
– Vịt của ai đó?
Bọn trẻ ngạc nhiên hỏi lại:
– Ông hỏi làm gì?
– Ta muốn mua buôn.
Biết là gặp phải anh ngốc, bọn chúng đáp liền:
– Vịt ấy là của chúng tôi. Nếu ông mua được cả, chúng tôi bán rẻ mỗi con năm tiền [1], mười con vị chi làm năm quan [2].
Nghe chúng bảo là giá rẻ, Ngốc ta không ngại ngần gì nữa, ngồi xuống xỉa tiền ra trả. Bọn chúng nhận lấy tiền chia nhau rồi bảo anh:
– Đó, bầy vịt bây giờ là của ông. Ông ngồi đây mà canh, đến chiều lại hùa chúng về.
Đoạn chúng cưỡi trâu đi mỗi đứa một ngả.
Ngốc ta ngồi lại bờ đầm canh chừng bầy vịt. Chưa quá trưa, anh đã lội xuống nước để lùa vịt về, thì bầy vịt nhác thấy bóng người, bay vụt lên trời, một chốc mất biến. Ngốc ta tưng hửng, đành trở về kể lại với vợ. Vợ tiếc của mắng cho chồng một trận nên thân, rồi bảo:
– Đó là vịt trời giống hệt vịt nhà, nhưng chúng biết bay. Sau này trước khi mua, muốn biết vịt biết bay hay không, anh cứ giơ gạy lên dứ vào chúng là biết ngay.
Mấy ngày sau, chàng Ngốc lại cầm tiền ra đi. Đến chợ thấy có người bán ba con lợn con. Lợn được thả trong một cái rặc [3] quây thành vòng tròn. Anh sà vào hỏi mua. Nhớ lời vợ dặn, nên trước khi trả tiền, anh giơ gậy lên dứ vào mấy con lợn. Mấy con lợn thấy vậy sợ quá nhảy tót ra ngời rặc, rồi chạy vào bụi mất cả. Người hàng lợn bèn nắm lấy áo anh bắt vạ. Có bao nhiêu tiền vốn mang đi, anh phải lấy ra đền. Xót của, anh mếu máo về kể chuyện lại cho vợ nghe. Vợ lắc đầu:
– Khốn nạn. Mấy con lợn thì làm gì biết bay mà phải dứ. Anh cứ mua, đưa về đàng hoàng, thử làm gì cho mất công.
Ít ngày sau, anh lại mang tiền đi. Lần này anh mua được một gánh nồi đất. Nhớ lời vợ dặn, anh cứ gánh nồi “đàng hoàng” đi giữa đường. Mọi người đi đường mà anh gặp đều phải xuống ruộng tránh anh. Giữa đường anh gặp một bầy trâu đến chục con được chủ lùa đi ăn. Đường hẹp, trâu không biết tránh nên va vào gánh nồi của anh vỡ gần hết. Anh về kể lại với vợ. Vợ bảo anh:
– Chết rồi. Nồi là thứ dễ vỡ, gặp những con vật như thế thì phải tránh đi chứ!
Ít lâu sau nữa, anh lại đi buôn. Lần này anh mua được một gánh vôi đá mới nung. Dọc đường về, anh thấy có một con chuột chết nằm giữa đường. Nhớ lời vợ dặn, anh lẩm bẩm: – “Chà chà, có con vật này nằm cản đường ta, ta phải tránh nó mới được”.
Nghĩ vậy, anh không dám bước qua con chuột, bèn lội xuống ruộng nước để tránh. Nước ở đấy hơi sâu, vôi đá nhúng phải nước sôi lên sùng sục, anh hoảng quá vứt cả gánh mà chạy. Về đến nhà anh khóc lóc kể lại cho vợ nghe. Vợ giậm chân kêu trời, bảo anh:
– Còn tìm ra được ai ngốc bằng anh nữa! Thôi bây giờ tiền trong nhà chẳng còn một đồng để buôn với bán nữa rồi. Ngày mai anh tìm cách gì kiếm lấy ít quan mà tiêu.
Ngốc ta liền bỏ nghề buôn, chuyển sang ăn trộm. Một đêm anh lẻn vào một nhà kia, lần mò tìm được một số tiền. Anh đếm tiền và tinh mắt nhận thấy có mấy đồng xèng [4]. Anh liền tìm đến chỗ chủ nhà ngủ, lay dậy và nói:
– Dậy, dậy mà đổi tiền xấu.
Chủ nhà đang ngon giấc sực tỉnh, thấy trong nhà có kẻ lạ mặt, bèn hô hoán lên:
– Bắt, bắt lấy nó!
Ngốc ta hoảng hồn vứt cả tiền mà chạy, may thoát được. Về tới nhà, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo:
– Trời ơi. Còn đổi với chác mà làm gì. Thôi mai đi kiếm ít gạo về ăn, nhà chẳng còn hột nào nữa.
Tối hôm sau, Ngốc ta lại đi ăn trộm. Nhớ lời vợ dặn nên anh không chú ý tới những cái khác mà chỉ đi tìm gạo. Nhưng những chỗ anh sờ soạng thấy để chứa thóc, chẳng có hạt gạo nào. Thấy có cối xay gần đó, anh bèn đổ thóc vào xay. Tiếng xay lúa ầm ầm làm cho chủ nhà tỉnh dậy. Khi họ xông tới toan bắt, anh may mắn lại chạy thoát. Về kể lại với vợ, vợ kêu lên:
– Ngốc ơi là ngốc. Thôi thì mai thấy gì lấy nấy, cứ đưa về đây, chẳng cần lựa chọn gì nữa.
Tối hôm sau, Ngốc lại lọt vào một nhà khác. Anh vừa vào tới sân đã thấy nhiều đồ đạc nhắm chừng có thể lấy được. – “Hừ, vợ ta dặn có gì lấy nấy, chẳng cần phải đào ngạch vào nhà lựa chọn làm gì cho mất công”. Nghĩ vậy, anh ta nhặt nhạnh đủ thứ chất một gánh quẩy về. Vợ thắp đèn lên xem thì hóa ra toàn chổi cùn, rế rách, đòn ghế, gỗ vụn, cào tre, cuốc gẫy, lại còn có cả một nồi nước giải. Vợ chặc lưỡi hồi lâu, rồi bảo chồng:
– Thôi! Ngày mai đừng đi ăn trộm nữa mà có ngày chết oan. Anh cứ chịu nhục đi ăn xin, may ra còn kiếm được miếng gfi bỏ vào miệng nuôi lấy thân.
Nghe lời vợ, anh liền chuyển sang “nghề” mới. Một hôm anh ta gặp một ông quan ăn mặc sang trọng đang đi dạo, anh bước tới ngửa tay xin ăn. Nhưng vừa mở miệng nói mấy câu học được: – “Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại…” thì có hai tên lính theo hầu quan đã bước tới quất cho mấy roi. Để khỏi ăn thêm đòn, anh ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Về kể lại với vợ, thì vợ bảo:
– Đó là ông quan, đừng có đụng tới mà chết. Đi xin thì tìm chỗ đông người, không xin được người này thì xin người khác, thế nào cũng được ăn.
Hôm sau, anh gặp một đám ma. Thấy đông người, anh sà vào ngửa tay xin hết người này đến người khác. Nhưng anh chẳng được gì mà còn bị mắng đuổi. Anh về kể lại với vợ. Vợ bảo:
– Đó là đám ma, anh cứ đi theo “ô hô” ít câu là sẽ được người ta cho ăn.
Lần này, anh ra đi, lại gặp một đám rước dâu. Anh làm theo lời vợ dặn, đuổi theo đám đông, vừa đi vừa bưng mặt nấc lên mấy tiếng “ô hô”. Những người trong đám rước dâu cho là anh cố ý làm cho họ xui xẻo, liền hò nhau đánh anh tới tấp. Bị đòn đau, nhưng anh cũng cố giật ra được chạy về. Anh kể cho vợ nghe, vợ lại bảo:
– Đó là đám cưới. Anh chỉ cần đi theo nói mấy câu: “tốt đôi, tốt đôi”… là có ăn.
Ít lâu sau anh lại đi. Gặp một đám đông người đang chữa cháy, nhớ lời vợ dặn, anh đến gần, mồm nói lia lịa:
– Tốt đôi, tốt đôi.
Thiên hạ cho anh là thủ phạm đốt nhà (vì tốt đôi nói lái là tôi đốt), liền bắt anh trói lại nện cho một trận, lại giải lên quan. Anh phải vất vả lạy lục phân bua mãi mới được thả cho về. Về đến nhà, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo:
– Đó làm đám cháy. Thấy vậy anh cứ múc nước giội vào đấy, người ta sẽ thưởng công cho.
Mấy hôm sau anh lại đi. Gặp người thợ rèn đang hì hục đánh trên đe một thanh sắt nung đỏ. Anh bèn múc một vò nước đến giội vào sắt, vào bễ lửa. Thấy chuyện trớ trêu, cả mấy người thợ quăng búa xúm lại giã cho anh một trận nhừ đòn rồi mới cho về. Về nhà, anh mếu máo kể cho vợ hay. Vợ bảo:
– Đó là những người thợ rèn sắt, anh cứ xông vào quai búa với họ là họ sẽ cho ăn.
Lần này, Ngốc gặp một đám đánh nhau. Anh chẳng nói chẳng rằng, hùng hổ xông vào giơ tay thụi người này, co cẳng đạp người kia. Mấy người đánh nhau tuy đang lúc giận dữ, nhưng thấy một người lạ vô cớ xông vào đánh cả hai bên bèn quay cả lại nện cho anh những quả như trời giáng. Anh đau điếng chạy về kể lại với vợ. Vợ bảo:
– Đó là đám đánh nhau. Anh hãy can người ta ra, và nói :”dĩ hòa, vi quý [5]“, không khéo còn được người ta mời đi chè chén nữa.
Hôm ấy, anh gặp một đám đông người đang vòng trong vòng ngoài xem hai con trâu húc nhau chí tử. Nhớ lời vợ dặn, anh chạy vào cố sức vỗ về hai con vật, miệng nói “dĩ hòa vi quý”, “thôi đừng đánh nhau nữa”. Một con hăng tiết lên, liền húc thủng bụng anh.
Thế là hết đời anh chàng Ngốc.
Câu chuyện Làm theo lời vợ dặn – Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam,
Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế tuyển chọn, giới thiệu, NXB Đại học THCN, Hà Nội, 1987
– thuvienso.com.vn –
Chú thích trong truyện Làm theo lời vợ dặn
Đôi nét về câu chuyện Làm theo lời vợ dặn
Làm theo lời vợ dặn là một truyện cổ tích hài hước kể về nhân vật ngốc nghếch, từng được đưa vào giảng dạy trong SGK Văn học 10, tập 1, NXB Giáo dục 2002. Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và trên thế giới, có rất nhiều cốt truyện với những tình tiết giống như truyện này. Một phần trong số đó đã được nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Đổng Chi giới thiệu trọng bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
Cốt truyện của truyện này có kết cấu xâu chuỗi, nghĩa là gồm nhiều mẩu chuyện nhỏ, mỗi mẩu chuyện kể lại một hành động của nhân vật chính. Mỗi mẩu chuyện là một khâu, sợi dây xâu nối các khâu ấy lại thành một chuỗi là tính chất giống nhau của các hành động.
Trong mỗi hành động của nhân vật đều có sự mâu thuẫn giữa lời dặn của vợ với hoàn cảnh thực tế. Mâu thuẫn ấy gây ra tiếng cười nơi người đọc truyện.
Thời phong kiến, người phụ nữ bị xem thường, suốt đời phải phụ thuộc vào người đàn ông, không có quyền tự định đoạt gì cả: ở nhà thì phục tùng cha, đi lấy chồng thì phục tùng chồng, chồng chết thì phục tùng con.
Câu chuyện cổ tích Làm theo lời vợ dặn kể trên chính là một biểu hiện của sự phản ứng mạnh mẽ trong dân gian, chống lại quan niệm bất công đó bằng cách phơi bày ra trước mắt mọi người “mẫu người” đàn ông đần độn, chỉ biết sống phụ thuộc một cách thảm hại vào người người vợ của mình từ lời ăn tiếng nói cho tới cách ứng xử ở đời và trở thành một đối tượng rất tức cười trước thiên hạ.
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Ngoài những câu chuyện cổ tích ngợi ca trí thông minh ra, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại thuvienso.com.vn.
Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.
Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.
Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.
Làm theo lời vợ dặn [Truyện cổ tích hài hước Việt Nam]
Câu chuyện Làm theo lời vợ dặn
Làm theo lời vợ dặn là truyện cổ tích Việt Nam, châm biếm những người