su-tich-cay-hoa-dai

Sự tích cây hoa Đại [Truyện cổ tích về các loài cây]
Ý nghĩa truyện Sự tích cây hoa Đại
Sự tích cây hoa Đại là truyện cổ tích Việt Nam, ngoài việc giải thí

Sự tích cây hoa Đại [Truyện cổ tích về các loài cây]

Ý nghĩa truyện Sự tích cây hoa Đại

Sự tích cây hoa Đại là truyện cổ tích Việt Nam, ngoài việc giải thích về nguồn gốc cây hoa Đại, còn ngợi ca tình bạn gắn bó giữa một em bé và chú hươu con.

Ngày xưa, có một em bé nghèo, rất thương mẹ mà đành phải xa mẹ, đi ở cho một lão đồ tể chuyên giết lợn. Lão đồ tể ngày ngày bắt em lên rừng kiếm củi thể đun nước giết lợn, cạo lông. Những ngày đầu, em còn phải bám theo các bác đốt than cho biết đường đi, đường về. Nhưng sau đó em đi một mình. Dăm ngày một lần, em lại đi đường vòng xa hơn, để ghé qua nhà thăm mẹ cho đỡ nhớ. Nhân tiện em biếu mẹ một mớ củi và một ít sim rừng, ổi rừng.

Đường lên núi phải qua một ngôi chùa nhỏ ở ngay lưng núi. Lên đến chỗ kiếm được củi thì mặt trời cũng vừa lên cao. Em bé nhìn xuống chân núi tìm bến nước và túp lều của mẹ. Xa quá, em không thấy gì nhưng cũng nhìn cho đỡ nhớ.

Một hôm, em đang chặt củi ở bên một sườn núi thì bỗng thấy ở dưới một cái hố sâu có một chú hươu con bị sa xuống đó từ lúc nào không rõ. Chú hươu con lo lắng, chỉ biết im lặng. Chú mở to đôi mắt, ngẩng đầu lên nhìn quanh, như đợi mẹ đến cứu mình.

Chú bé cũng nhìn quanh xem hươu mẹ có ở đâu đó không, nhưng chỉ thấy cây rừng và tiếng gió chạy vòng quanh chân núi. Em bé liền lần xuống hố, ẵm chú hươu con lên. Thấy người, lúc đầu chú hươu con cũng lo sợ. Nhưng chỉ một lúc, chú đã để yên cho em bé vuốt ve. Em bé bứt một ít cỏ non cho hươu con ăn, rồi lại bẻ một miếng cơm nhỏ xíu ở cái nắm cơm không lớn bằng nắm tay của mình, chấm vào muối bón thử cho hươu con. Hươu con chưa quen ăn cơm, nhưng hình như thích cái vị mằn mặn của muối.

Em bé muốn đem con hươu con về nhà mẹ nhưng sợ lão chủ biết. Còn đem về nhà lão chủ, thì lão sẽ thịt mất con hươu của mình. Lão vẫn thường nói với mọi người là nào rất thèm thịt hươu. Em vẫn nhìn xung quanh và mong đợi hươu mẹ trở lại để cho hươu con được gặp và sống với mẹ. Mình cũng còn thích sống gần mẹ nữa là.

Chờ mãi không thấy, mà trời đã xế chiều. Em bé tìm một cái hang nhỏ, cho hươu con vào đó và lấy đá chặt kín lại.

– Ngày mai ta sẽ lên với hươu con! Hươu con đừng lo, cứ ngủ cho ngon nhé!

Hôm sau, em bé lại lên rừng. Em thở phào mừng rỡ khi thấy hươu con vẫn còn đó. Gặp lại các em, hươu con cũng cũng vui lắm, cứ lấy mũi ngửi ngửi vào tay em.

– À! Mày lại muốn ăn cơm với muối chứ gì?

Chú bé lại bẻ một miếng cơm nhỏ xíu, chấm vào muối rồi bón cho hươu con. Em lại đi hái cỏ non mang đến. Trong lúc chặt củi, em cho hươu con đứng cạnh. Có hươu con, em chặt củi không mệt chút nào.

Từ đó, em bé và hươu con trở thành đôi bạn, ngày nào cũng gặp nhau, nhưng đêm cũng phải xa nhau. Thương hươu con không có mẹ, lại quấn quýt với mình, nhiều đêm em bé nằm mơ gặp hươu con và đùa giỡn với nó.

Một đêm, lào đồ tể thức dậy ra sân xem trời gần sáng chưa để giết lợn. Bỗng hắn nghe ở dưới bếp tiếng em bé đang nằm nói mê, rõ thành lời như đang thức:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc tôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Lần ấy lão không để ý mấy. Nhưng sau đó, lão lại nghe bọn người nhà mách là em bé cứ thường nói mê như thế. Và cái câu em hay nói nhất vẫn là câu này:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc tôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Lào đồ tể cau đôi mày sâu róm lại nghĩ bụng:

– Biết đâu lại chẳng có hươu thật!

Lão sai người nhà lén theo em bé lên rừng. Tên người nhà ranh ma lên rừng, thấy hết cảnh em bé cùng chú hươu con gặp nhau và sống bên nhau suốt cả ngày. Hắn về mách với lão chủ. Lão chủ liền nói:

– Đúng vậy thì ngày mai tao sẽ đi xem. Chúng mày theo tao bắt cho kì được con hươu về.

Hôm sau, em bé lại lên rừng. Lòng em vui biết bao nhiêu. Mới chỉ một thời gian ngắn, hươu con đã lớn lên trông thấy và ngày càng tỏ ra khôn ngoan không ngờ. Hình như em bé nói gì, nghĩ gì, hươu con đều hiểu được cả, và ngoan ngoãn làm theo, Nhưng hôm đó, khi em vừa đón hươu con ở trong hang ra, chưa kịp cho hươu ăn, lão đồ tể cùng với hai tên người nhà đã ập tới. Em bé đành hét lớn:

– Hươu ơi chạy đi!

Thấy hươu con chần chừ. Em bé bèn phát vào cổ nó một cái thật mạnh, và quát:

– Chạy đi!

Hươu con hiểu ý, phóng như bay vào rừng. Lão đồ tể và hai tên người nhà đuổi theo nhưng không kịp. Huơu con lẫn vào với cây cỏ, không biết đâu mà tìm.

Lão đồ tể giận lắm, quay lại đánh em bé một trận. Trong cơn điên tiết, lão lấy luôn một hòn đá ném vào người em bé. Không may, hòn đá lại trúng vào đầu. Em bé ngã lăn ra, nằm không động đậy. Lão đồ tể bỏ mặc em giữa rừng, cùng hai tên người nhà trở về. Hươu con chạy rất xa, lên một đỉnh đồi nhìn xuống. Thấy lão đồ tể độc ác cùng hai tên người nhà đã về thật rồi, hươu con chạy xuống với bạn thân thiết của mình. Hươu con hà hơi ấm vào lưng và ngực em bé. Một lúc lâu sau em bé tỉnh dậy. Thấy hươu con, em mừng quá, ôm lấy cổ hươu và khóc.

– Không có hươu thì ta chết rồi!

Người và hươu kéo nhau đi sang khu rừng khác, tránh ngày mai lão đồ để lại có thể đưa người và dắt cả chó lên theo. Phải đi thật xa, thật xa. Vì vậy, đã khuya rồi, trăng đã lặn mà vẫn có hai cái bóng nhỏ, em bé và hươu con nương vào nhau mà đi.

Vết thương ở trên đầu đau nhức nhưng muốn cứu hươu, cứu mình, em bé cố bước đi. Lúc nào mệt quá em lại ngồi xuống, hươu con lại quấn quýt như vỗ về, an ủi, lại hà hơi ấm vào lưng, vào ngực em bé.

Hôm sau, lão đồ tể đưa người và chó lên thật. Nhưng lùng sục mãi không thấy hươu đâu, lão đành hập hực trở về. Không thấy xác em bé, lão cũng hơi lo lo, không biết là thú rừng đã ăn thịt hay em bé đã sống lại.

Em bé ở với huơu mấy ngày liền trong khu rừng xa, tìm lá để chữa vết thương. Người và hươu toàn ăn quả rừng, cỏ rừng để sống. Được mấy ngày, nhớ mẹ quá, em bé nói với hươu con:

– Hươu ơi, ta nhớ mẹ quá. Ta về thăm một bữa, rồi sẽ trở lên ngay với hươu.

Hươu con như hiểu được ý em bé. Nó mở to đôi mắt nhìn người chủ nhỏ. Đôi mắt nó bỗng ươn ướt như đang khóc. Rồi nó gật đầu liền mấy cái. Nó đưa cho người chủ nhỏ ra tận bìa rừng và quay lại đứng trên một hòn đá to nhìn theo.

Em bé về gặp mẹ, được cho hay là cách đây vài hôm, lão chủ có sai người đến dò hỏi, xem em bé có trốn về không… Mẹ em không hề hay biết là em bị lão đánh suyết chết. Em về thì cũng gặp ngay người chú đi chèo thuyền thuê ghé thăm. Nghe chuyện em kể, người chú liền nói:

– Đã vậy thì cháu cứ theo chú. Chú sẽ giúp cho cháu ăn học nên người.

Em bé lo lắng:

– Nhưng còn hươu con?

– Hươu con ở trong rừng thì có gì mà cháu lo?

– Cháu hẹn với hươu con sẽ trở lên với nó mà!

– Hươu con làm sao mà hiểu được lời người nói?

– Chú ơi, nó hiểu được đấy. Nó tiễn cháu đi, còn biết khóc nữa kia mà!

– Thì cháu cứ theo chú ăn học. Nay mai khôn lớn cháu trở về. Lúc đó sẽ gặp lại hươu không muộn.

– Liệu hươu có chờ cháu không?

– Có chứ! Nó khôn vậy thì nó sẽ biết chờ.

– Cháu chỉ thương nó sống một mình, nó sẽ buồn lắm.

– Cháu đừng lo! Rồi nó sẽ tìm đàn, nhập đàn mà sống.

– Nhưng rồi nó có quên cháu không?

– Nó khôn ngoan, nó thương cháu thì sẽ không quên cháu đâu.

Em bé đánh nghèo theo lời chú dỗ dành của chú và mẹ. Chỉ khổ cho em là ngay tối hôm đó, người chú đã phải cho thuyền rời bến để đi về cho kịp ngày đã hẹn với chủ thuyền. Đêm đó, em bé cứ ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn lên ngọn núi cao.

– Hươu con ơi! Hươu chờ ta nhé! Ta sẽ về, sẽ đưa hươu xuống dưới này sống với mẹ con ta.

Lòng em bé muốn vậy, nhưng cuộc đời đâu có phải ai muốn gì thì được nấy. Em bé về với ông chú, được ông chú gửi cho ăn học ở nhà một ông đồ nghèo nhưng rất thương người. Trong một chuyến đi xa, thuyền ông chú bị đẵm. Ông chú không về nữa. Em bé được ông đồ nuôi dạy, nhưng từ đó phải ở luôn với ông. Đường về quê mẹ xa quá, em càng thấy thương mẹ gấp bội. Sau đó vài năm em nghe tin mẹ mất…

Hết thương mẹ, em lại nhớ đến hươu, chú hươu con ngày nào, nhưng em cứ tin là chú hươu bây giờ đã lớn và nhập đàn sống với đồng loại của nó. Chắc hẳn nó đã quên mình.

Nhưng hươu kia không quên. Hươu vẫn nhớ người bạn, người chủ nhỏ của mình. Hươu chỉ lạ sao loài người lại khác nhau vậy. Người thì tốt như em bé. Người thì ác như lão đánh em và hai cái tên cứ chực tuổi bắt cho được hươu.

Một hôm, từ trên mỏm đồi cỏ tranh cao, hươu bỗng thấy có bóng người đi lại ở ngôi chùa. Từ xa hươu cứ tưởng trong đấy có em bé, bạn và chủ của mình, người đã cứu mình. Hươu liền đi về phía ngôi chùa. Nhưng hươu cũng biết nghĩ chưa chắc là cậu bé, nếu không cậu ấy đã đi tìm gặp mình. Dù sao cũng cứ đến gần xem…

Những con người này có vẻ cũng không phải là ác như cái lão đồ tể và hai tên kia. Hươu đến sát chân chùa thì bỗng nghe một tiếng chuông đánh. Tiếng chuông đánh gần quá làm hươu hoảng hồn. Hươu phóng thẳng một mạch vào rừng sâu.

Nhiều năm trôi qua, hươu lớn lên, sừng bắt đầu mọc. Đôi sừng cao khỏe, nhưng nhìn hươu vẫn rất hiền lành. Hươu vẫn còn ý chờ gặp lại người chủ người bạn chủ cũ. Đời hươu không thể dài bằng đời người. Hươu đã trở thành con hươu đầu đàn. Một hôm, hươu bỗng gặp một đoàn người đi đốt than. Hươu muốn đến gần, nhưng vẫn còn e ngại.

Chờ cho họ về hết, hươu mới rời đàn, một mình đến gần chỗ họ đã ngồi tụ tập với nhau. Một ít muối của những người đốt than còn để rơi lại. Hươu nếm cái vị mằn mặn của muối bỗng thấy nhớ người bạn của mình không chịu nổi. Thế là hươu để lại đàn cho một con hươu khác, rồi một mình tìm đến chốn cũ, nơi có cái hang xưa hươu đã sống ở đó, để ngày ngày chờ cậu bé đã cứu mình.

Cái hang vẫn còn nguyên, cỏ mọc quanh miệng hang rất tốt, rất xanh. Nhưng hươu mỗi ngày một già dần. Mặt trời sắp lặn. Hươu già nằm xuống, giấu mình trong bụi cây rậm ở ngay bên hang. Hươu cảm thấy mình không thể đứng dậy được nữa. Một thời gian sau, hươu già chết, chết ở ngay bên miệng hang.

Người bạn của hươu lúc này ở xa, đã có vợ, có con. Một hôm thấy người đi bán sừng hươu, anh bỗng nhớ lại chuyện cũ và kể cho vợ con nghe. Anh nhắc lại câu nói năm xưa khi cho hươu ăn:

– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!

Đứa con lập tức đòi bố phải đưa về thăm quê, viếng mộ bà và đi lên rừng tìm xem chú hươu có còn không. Thương con, nhớ mẹ và nhớ hươu, một thời gian sau, người bố đưa vợ con về quê. Hỏi người trong làng, mới biết lão đồ tể độc ác một hôm dẫn chó lên rừng săn hươu, bị rắn độc cắn chết. Thật là đáng đời nhà lão.

Thăm mộ mẹ xong, người bố đưa con lên rừng. Đường vẫn phải đi ngang qua ngôi chùa nhỏ ở dưới lưng núi. Hai bố con đi mãi, đi mãi. Trong gió bỗng có mùi hương, vừa gần gũi, vừa xa xôi. Mùi hương như chào đón, như dẫn đường. Theo mùi hương, hai bố con đến ngay được chỗ cái hang ngày xưa đã giấu chú hươu con. Cả hai bố con sửng sốt, cùng đứng im lặng. Bên cạnh miệng hang có một giống cây lạ đang nở đầy hoa. Mùi hoa thơm đậm. Nhìn kỹ thì cành cây rất giống những cái sừng hươu.

Có mấy người đốt than đi qua. Họ kể rằng, trước đây, ngay tại chỗ cây hoa đang nở, có một con hươu già từ đâu không biết, đến đó rồi nằm chết luôn, mà không ai hay. Sau đó, ở gần miệng hang, bỗng thấy xuất hiện một giống cây lá to giống tai hươu, cành giống sừng hươu.

Người bố nghe nói, đoán ngay đấy là chú hươu con ngày xưa. Thì ra chú vẫn nhớ mình, lớn lên vẫn nhớ và chờ đợi mình về nữa. Lòng đời ân hận, người bố liền nói:

– Hươu ơi! Ta muốn về sớm với hươu mà nào có về được. Dù sao bây giờ ta cũng đã gặp lại nhau.

Hai bố con cùng khấn, xin hươu cho mình mấy cành cây lạ mang về làng quê để trồng, để luôn nhớ tới hươu.

Lúc hai bố con đi ngang qua chùa, các ông sư nghe kể cũng cảm thương về chuyện con hươu có nghĩa, nên họ xin người bố một cành cây lạ để trồng trước sân chùa. Cây hoa ấy là cây hoa Đại ngày nay. Có người bảo, chữ Đại là do chữ Đợi, chờ đợi mà có. Cây hoa Đại, lá to giống tai hươu, cành giống sừng hươu đã đành, mà những bông hoa cũng giống như những con mắt hươu đang mở tròn, mở to để trông ngóng, chờ đợi.

Câu chuyện Sự tích cây hoa Đại

– thuvienso.com.vn –

Loài thực vật trong truyện Sự tích cây hoa Đại

Cây hoa Đại có danh pháp khoa học là Plumeria rubra, còn được biết đến với các tên gọi quen thuộc khác như: hoa Sứ, hoa Champa,… Đây là loài cây thân gỗ, có dáng khá mập mạp, màu xám, bên trong có mủ, không mọc thẳng mà hơi ngoằn ngoèo. Cây có nhiêu cành, tỏa đều từ dưới lên đến ngọn.

Hoa đại thường nở tập trung thành chùm, mỗi chùm thường có từ 5 – 10 bông hoa, mọc chung trên một cuống hoa khá to và dài. Trên mỗi bông hoa sẽ có 5 cánh hoa tỏa thành vòng tròn, không chỉ đẹp mắt mà còn tỏa mùi hương êm dịu, ngây ngất. Màu của hoa đại cũng khá đa dạng, thường là màu vàng viền trắng, nhưng cũng có các màu khác như màu hồng, màu đỏ.

Loài cây này bắt nguồn từ Trung Mỹ và Nam Á, nhưng trong văn hóa dân gian Việt Nam, nguồn gốc của loài cây này được biết đến qua câu chuyện Sự tích cây hoa Đại kể trên.

Ý nghĩa của hoa Đại

Với dáng vẻ xanh mát và hương hoa thơm dịu, cây hoa Đại thường được sử dụng che bóng mát hoặc làm cảnh.

Trong văn hóa Phật giáo, hoa Đại là biểu tượng cho một cuộc sống mới với sự khởi đầu. Do đó cây hoa Đại thường được trồng nhiều ở các đình chùa, pháp viện.

Trong y học cổ truyền, cây hoa Đại cũng được sử dụng như trong một số bài thuốc dân gian, dùng để chữa các loại bệnh như bong gân, mụn nhọt; ho, hạ huyết áp, đau nhức chân răng.

Quốc hoa của Lào chính là hoa Đại (hoa Champa), thể hiện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách. Hoa Champa được trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các đền chùa, pháp viện. Có một bài dân ca Lào rất hay và nổi tiếng viết về loài hoa này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ca khúc qua sự thể hiện của NSND Tường Vi (lời Việt: Nguyễn Viêm).

Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.

Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.

Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.

Sự tích cây hoa Đại [Truyện cổ tích về các loài cây]
Ý nghĩa truyện Sự tích cây hoa Đại
Sự tích cây hoa Đại là truyện cổ tích Việt Nam, ngoài việc giải thí

md

Related Posts

vu-kien-chau-chau

Vụ kiện châu chấu [Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam] Truyện cổ tích Vụ kiện châu chấu Vụ kiện châu chấu là câu chuyện cổ tích, qua đó giải…

Read more

vua-chuot-ken-re

Vua Chuột kén rể [truyện vui Nhật Bản] Vua Chuột kén rể Vua Chuột kén rể là một câu chuyện vui của Nhật Bản có tính chất châm biếm. Vua…

Read more

vua-heo

Vua Heo [Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam] Truyện cổ tích Việt Nam – Vua Heo Vua Heo là câu chuyện cổ tích Việt Nam, kể về một người…

Read more

vua-qua

Truyện cổ tích Vua Quạ [Truyện cổ Grimm ý nghĩa] Câu chuyện Vua Quạ – Truyện cổ Grimm Vua Quạ là truyện cổ Grimm, kể về một vị vua đem…

Read more

vuong-quoc-chuot

Vương quốc chuột [Truyện cổ tích về loài vật] Câu chuyện Vương quốc chuột Vương quốc chuột là truyện cổ tích về loài vật, nội dung kể lại cuộc sống…

Read more

xin-chon-o-nui-vang

Xin chôn ở núi vàng [Truyện cổ tích dân tộc Chăm] Truyện cổ tích Xin chôn ở núi vàng Xin chôn ở núi vàng là truyện cổ tích dân tộc…

Read more