su-tich-ho-ba-be

Sự tích hồ Ba Bể [Truyện cổ tích dân tộc Tày]
Truyện Sự tích hồ Ba Bể
Sự tích hồ Ba Bể là truyện truyền thuyết của dân tộc Tày, dạy cho con người biết sống hư

Sự tích hồ Ba Bể [Truyện cổ tích dân tộc Tày]

Truyện Sự tích hồ Ba Bể

Sự tích hồ Ba Bể là truyện truyền thuyết của dân tộc Tày, dạy cho con người biết sống hướng thiện, giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh khó khăn và giải thích lịch sử hình thành của hồ Ba Bể ngày nay. Câu chuyện hay về lòng nhân hậu của hai mẹ con khi giúp đỡ bà lão ăn xin. Chính lòng nhân ái nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khổ, hoạn nạn của hai mẹ con đã giúp em mẹ con bà góa và dân làng thoát khỏi kiếp nạn.

Hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Hồ quanh năm có nước trong xanh, dịu mát với những núi đá vôi sừng sững hai bên. Khi bước chân đến hồ, ta cứ ngỡ như đi lạc vào cõi tiên cảnh vậy. Chúng ta cùng đọc để xem Sự tích hồ Ba Bể được hình thành như thế nào nhé.

Truyện xảy ra đã rất lâu rồi, ngày đó ở xã Nam Mẫu (Bắc Kạn) cứ vào mỗi dịp thu hoạch xong mùa màng, thì người dân vẫn thường hay mở lễ hội cúng Phật. Mọi người khắp nơi đều kéo nhau về lễ hội rất đông để tỏ lòng thành kính với đức Phật, cảm tạ trời đất đã ban cho dân làng mưa thuận gió hòa với những mùa màng bội thu.

Năm ấy cũng giống như mọi năm, người người tụ họp đông đủ trước ngày lễ hội. Trong lễ hội xuất hiện một bà cụ ăn xin, quần áo rách rưới bẩn thỉu, khắp người đều bốc mùi hôi hám nồng nặc. Bà đi đến đâu xin ăn cũng bị người ta xua đuổi, hắt hủi. Đi cả ngày trời mà không xin được chút gì vào bụng, bà mệt mỏi ngồi xuống ven đường nghỉ. Lúc đó có hai mẹ con người đàn bà góa đi làm về, nhìn thấy bà cụ ăn xin đáng thương, hai mẹ con không những không xua đuổi bà mà còn dẫn về nhà cho ăn cơm.

Bà cụ cảm ơn rồi ăn một mạch hết chỗ thức ăn của hai mẹ con cho. Đợi bà cụ ăn no, người mẹ hỏi:

– Nhà cụ có ở gần đây không?

Bà cụ nói không có nhà cửa, hàng ngày lang thang nay đây mai đó đi ăn xin sống qua ngày. Thấy trời đã sắp tối, người mẹ động lòng thương, liền nói với bà cụ:

– Nhà chỉ có hai mẹ con cháu, trời đã tối rồi nếu bà chưa có chỗ ngủ thì mời bà ngủ lại một đêm, đợi trời sáng mai hãy lên đường.

Bà cụ cảm động, cảm ơn hai mẹ con.

Ngôi nhà tranh đơn sơ chỉ có một chiếc giường ở giữa nhà nên mẹ con người góa phụ nhường giường cho bà cụ ăn xin nằm, còn hai người trải chiếu xuống đất để ngủ.

Đêm hôm đó, đang ngủ hai mẹ con bỗng tỉnh giấc vì ánh sáng phát ra từ giường của bà cụ ăn xin. Hai người còn đang ngạc nhiên thì lại giật mình hốt hoảng, vì trên giường không thấy bà cụ đâu mà chỉ thấy một con Giao Long rất to cuộn tròn mình nằm trên giường, tiếng gáy vang ầm cả nhà. Hai mẹ con bà góa vô cùng sợ hãi không kêu lên thành tiếng, chỉ biết kéo chăn trùm kín đầu, nhắm mắt nín thở mong sao cho trời nhanh sáng.

Sáng hôm sau thức dậy thì lạ thay không thấy con Giao Long đâu nữa, mà lại vẫn thấy bà cụ nằm ở trên giường. Hai mẹ con đang ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra thì bà cụ tỉnh giấc. Cả hai đem chuyện nhìn thấy đêm qua kể cho bà cụ nghe. Nghe xong bà cụ liền bảo hai mẹ con:

– Thật ra ta chính là con Giao Long đó. Ta biến thành bà lão ăn xin để thử lòng của mọi người, nhưng không ngờ ai cũng hắt hủi ta. Thiết nghĩ mọi người làm lễ thờ Phật thì phải có tấm lòng từ bi độ lượng, vậy mà lại không ai có tấm lòng thương người, thấy kẻ nghèo khổ lại xua đuổi đi như vậy. Chỉ có hai mẹ con ngươi là có tấm lòng lương thiện.

Nói xong bà cụ đưa cho hai mẹ con một nắm tro bếp và hai cái vỏ chấu và nói tiếp:

– Ngày mai sẽ có một trận đại hồng thủy, nước dâng lên rất cao. Hai mẹ con nhà ngươi hãy đem nắm tro bếp này rắc quanh nhà thì nhà sẽ không bị ngập. Còn hai vỏ chấu này khi thả xuống nước thì sẽ hóa thành hai chiếc thuyền giúp cho mẹ con nhà ngươi thoát nạn.

Hai mẹ con chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bà cụ đã biến mất.

Chứng kiến cảnh ấy, hai người hớt hải vội chạy đi khắp xóm để báo tin cho mọi người tìm chỗ trú ẩn cho trận hồng thủy sắp tới. Nhưng mọi người không ai chịu tin, lại còn mắng bảo hai mẹ con nhà bà góa đặt điều linh tinh.

Hôm sau, trong lúc người dân nô nức tổ chức lễ cúng Phật, thì bất ngờ một có cơn gió ào ào thổi đến. Tiếp theo đó là nước từ đâu dâng lên cuồn cuộn. Mọi người hoảng sợ, vứt hết đồ thờ cúng lại tán loạn. Nước dâng đến đâu, nhà cửa, ruộng vườn ngập đến đó. Riêng hai mẹ con vì biết trước có lũ lớn lên đã rải tro bếp ở xung quanh nhà. Nước lên cao đến đâu thì nhà của hai mẹ con cũng dâng cao lên đến đó.

Hai mẹ con trong nhà nhìn thấy dân làng chạy lũ thì không thể nào làm ngơ được. Nhớ lời Giao Long nói, họ liền thả hai vỏ chấu bỏ xuống nước. Kỳ ảo thay, hai vỏ chấu nở ra, biến thành hai chiếc thuyền. Vậy là mỗi người ngồi lên một chiếc, trèo thuyền đi ra dòng nước lũ để cứu dân làng.

Nước lên nuốt chửng mọi thứ. Sau khi nước rút đi để tạo thành một cái hồ rộng bị chia làm ba nên được người dân trong vùng gọi là hồ Ba Bể. Căn nhà của hai mẹ con nhô cao ở giữa hồ nước như một cái đảo, được gọi là Hòn Bà Góa.

Hồ Ba Bể ngày nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Bắc Kạn với phong cảnh hữu tình, tuyệt đẹp. Cây cối quanh năm tươi tốt, làn nước thì vô cùng trong xanh, chim hót ríu rít cả ngày. Những ai từng có dịp đến đây thăm quan, lòng đều rất thư thái và thoải mái, khi ra về đều có gì đó cảm thấy nuối tiếc về cảnh đẹp ở nơi này.

Câu chuyện Sự tích hồ Ba Bể

– Truyện cổ dân tộc Tày –

Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.

Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.

Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.

Sự tích hồ Ba Bể [Truyện cổ tích dân tộc Tày]
Truyện Sự tích hồ Ba Bể
Sự tích hồ Ba Bể là truyện truyền thuyết của dân tộc Tày, dạy cho con người biết sống hư

Share This Article
Leave a comment