Zarathustra đã nói như thế là tác phẩm chính yếu của Nietzsche. Vừa thơ ca, vừa triết lý, nó ở giữa trung tâm tư tưởng Nietzsche: chính trong Zarathustra đã nói như thế Nietzsche đã tuyên bố và ca tụng Siêu nhân.
Zarathustra đã nói như thế là tác phẩm chính yếu của Nietzsche. Vừa thơ ca, vừa triết lý, nó ở giữa trung tâm tư tưởng Nietzsche: chính trong Zarathustra đã nói như thế Nietzsche đã tuyên bố và ca tụng Siêu nhân.
Nietzsche: một lưỡi gươm man dại chẻ đôi truyền thống tư tưởng Tây phương.
Nietzsche: một quả bộc lôi nổ tung xuống đầu tôn giáo, đạo đức, thi ca, tư tưởng, nghệ thuật, triết học, siêu hình học, tâm lý học.
Tên tuổi Nietzsche gieo rắc sợ hãi kinh hoàng cho những tâm hồn yếu đuối và đồng nghĩa với tàn bạo, vô luân, phi đạo đức, bệnh hoạn, ám ảnh, cô đơn, không thương xót, không tôn giáo, không tổ quốc, không nghề nghiệp, không bổn phận. Với những tâm hồn mang dòng máu Nietzsche, Nietzsche là một kẻ thánh hạnh dũng cảm, đem hết thịt da xương máu mình đổ dồn vào một tiếng thét lớn để đánh thức loài người (Heidegger), một kẻ tuẫn đạo chết giữa những điêu linh trần thế cho những đức hạnh còn chưa có tên gọi, một bậc Bồ-tát-Nghệ-sĩ (Bodhisattva-artist, Henry Miller). Đối với tất cả mọi người, cuộc đời Nietzsche, tư tưởng Nietzsche là một dấu hỏi bằng lửa, một “dấu hỏi khủng khiếp” đặt ra cho hai ngàn năm truyền thống Tây phương (Eugen Fink). Nietzsche thuộc dòng dõi các triết gia Hy Lạp tiền Socrate, tư tưởng bằng thi ca, tư tưởng nhập thể hoá thân thành thi ca để đồng vọng lại những lời vô ngôn của một Cõi Miền lồng lộng còn đang khép kín.
Với Nietzsche, khởi sinh một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những triết gia “triết lý với cây búa”; cây búa của Nierzsche đập đổ tàn phá, lời lẽ của Nietzsche nổ tung càu náu, để trên những hoang tàn tan nát đó vụt hiển hiện một Bình Minh mới cho nhân loại, trong đó con người được giải phóng khỏi đạo đức cựu truyền: Kẻ Vô Luân, giải phóng khỏi những “chân lý”: Tinh thần Tự do, giải phóng khỏi hiểm hoạ vĩ đại nhất thế kỷ: hư vô chủ nghĩa. Con người được giải phóng khỏi hư vô chủ nghĩa là một con người mang bộ mặt rạng rỡ hoà quang tinh khô của một thiên thần mới hiện, một kẻ cất cao tiếng cười lồng lộng giữa bầu trời mây trắng, một kẻ đã vượt qua loài người, một Siêu Nhân. Zarathustra là tên của kẻ tiên tri tiên báo cho sự xuất hiện của mẫu người mới ấy. Zarthustra đã nói như thế vẽ lại hành trình tâm linh băng qua tầng trời cô đơn thứ bảy, tầng trời cô đơn tối hậu, của một kẻ tiên phong, với những hoan lạc, đắm say, cám dỗ, chiến đấu, thất bại, hoài nghi ngây ngất, để mở ra cho loài người một khả tính mới, một hy vọng mới, hát cho loài người nghe một bài ca mới. Loài ngưòi đang sống trong thời “tiền sử”, chưa có một nhân loại đích thực với những giá trị trinh tân; trước mặt con người là sa mạc, sau lưng là hư không. Phải làm những gì để phôi dựng một Nhân Loại Mới trong buổi hoàng hôn dài dặc hiện nay?
Sa mạc lớn dần: khốn thay cho kẻ nào ôm giữa sa mạc!
Những kẻ ôm giữ sa mạc ấy có tên là Buddha? Jésus Christ? Héraclite? Khổng Tử? Nguyễn Du? Nietzsche? Dostoievski? Van Gogh? Rimbaud? Hoelderlin? Heidegger? Krishnamurti? Henry Miller?… Có kẻ nào đã vuợt qua được bến bờ bên kia của sa mạc để nở cho nhân loại một nụ cười tĩnh lặng không mây?
Zarathustra đã nói như thế là tác phẩm chính yếu của Nietzsche. Vừa thơ ca, vừa triết lý, nó ở giữa trung tâm tư tưởng Nietzsche: chính trong Zarathustra đã nói như thế Nietzsche đã tuyên bố và ca tụng Siêu nhân.