Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh [Truyền thuyết Việt Nam]
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh là truyền thuyết Việt Nam, kể về nguồn gố
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh [Truyền thuyết Việt Nam]
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh là truyền thuyết Việt Nam, kể về nguồn gốc tên gọi của một ngọn núi linh thiêng với phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại.
Ngày xưa, núi Bà Đen có tên gọi là núi Một. Trên núi có tượng Phật đá rất linh thiêng. Người Việt Nam, Cao Miên, Chàm,… đều cùng nhau dọn đường để lên cúng Phật. Họ phải đi từng đoàn vì dọc đường thường có rất nhiều thú dữ cũng như bọn cướp hay qua lại.
Gần đấy, ở Trảng Bàng, có một người con gái văn hay, võ giỏi tên là Lý Thị Thiên Hương. Thủa nhỏ, nàng có nước da đen đúa, nhưng khi lớn lên, khuôn trăng xinh đẹp, dáng người thanh tú, nên được rất nhiều chàng trai trong vùng để ý. Trong đó, có chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt thầm đem lòng yêu mến Thiên Hương.
Vào các ngày rằm, nàng đều lên núi thắp hương. Nhưng vào một ngày nọ, có một vị quan Cao Miên qua đấy, thấy nhan sắc nàng xinh đẹp, muốn bắt nàng đem về làm thiếp. Hắn ra lệnh cho quân lính bắt Thiên Hương về, nhưng Thiên Hương may mắn được chàng trai Lê Sĩ Triệt xông ra cứu kịp. Từ đó, hai người thề non hẹn biển với nhau.
Về tới nhà, nàng thuật lại câu chuyện cho cha mẹ hay. Cha mẹ cô đồng ý cho cả hai lên duyên chồng vợ.
Giữa lúc ấy, Võ Tánh chiêu binh giúp vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đánh lại nhà Tây Sơn. Hưởng ứng lời kêu gọi, chàng trai Lê Sĩ Triệt lập tức lên đường tòng quân.
Từ đó, Thiên Hương ở nhà ngóng chờ ngày Lê Sĩ Triệt khải hoàn trở về. Nhưng không may, vào một ngày nọ, trên đường lên núi dâng hương, đúng lúc bọn cướp Cao Miên tràn qua cướp phá. Nàng cùng mọi người hoảng sợ, chạy vào rừng lẩn trốn. Kể từ đó, không có tin tức gì nữa.
Qua đời Minh Mạng, có một vị hòa thượng trụ trì trên núi Tây Ninh. Một hôm, đang nằm ngủ, vị hòa thượng ấy mơ thấy có một cô gái nọ, mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra, nói văng vẳng bên tai:
– Tôi là Lý Thị Thiên Hương. Khi mười tám tuổi, đang trên đường lên núi dâng hương thì bị bọn cướp Cao Miên rượt đuổi. Trong lúc chạy trốn, không may bị ngã xuống hố chết. Cảm phiền sư cụ xuống triền núi phía Đông Nam tìm thi hài của tôi, đem về chôn cất giùm…
Tỉnh dậy, vị hòa thượng bán tín bán nghi, nhưng vẫn làm theo lời của cô gái báo mộng, xuống triền núi phía Đông Nam tìm. Quả nhiên, thấy di hài của một cô gái đã chết từ lâu, liền làm lễ đem về chôn cất.
Một ngày nọ, Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt có lên núi, nghe được câu chuyện về nàng Thiên Hương, ngài hứa dâng sớ về triều để truy phong cho nàng, nếu nàng làm thế nào cho ngài thấy tận mắt sự hiển hách. Vừa dứt lời, thì thấy nàng Thiên Hương nhập vào một người con gái trẻ ở đấy, mà nói:
– Hồn của Thượng quan nay mai được chức Thần kỳ linh hiển, nhưng xác của Thượng quan phải bị hành hạ.
Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt nói:
– Bổn chức không cầu xin biết tương lai của mình. Bổn chức muốn biết rõ căn do của nàng.
Cô gái trẻ rơi hai hàng nước mắt, thuật lại nguyên nhân cái chết của mình và nhắc lại duyên tiền định với Lê Sĩ Triệt.
Theo lời kể lại thì sau khi thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt tử tiết theo Võ Tánh, đã được phong chức Thần tướng coi sóc hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận. Còn nàng Thiên Hương thì ở lại trần gian, cứu dân độ thế.
Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt thay mặt nhà vua mà phong cho Lý Thị Thiên Hương chức vị “Linh Sơn Thánh Mẫu”, ngự ở núi Một, tức là núi Bà Đen bây giờ. Và câu chuyện sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh được bắt nguồn từ đó.
Các nhân vật lịch sử trong truyện Sự tích núi Bà Đen
Theo tìm hiểu (chưa được kiểm chứng), Lê Sĩ Triệt là con nuôi của nhà sư Trí Tân trụ trì một ngôi chùa trên lưng chừng núi Một. Sư Trí Tân vốn là võ quan của nhà Nguyễn ẩn tu.
Trong một chuyến xuống núi hóa trai, trên đường trở về, sư Trí Tân trông thấy ven một tảng đá một bé trai sơ sinh còn sống nằm khóc giữa 2 tử thi vợ chồng. Nhà sư đem đứa bé lên núi đặt tên là Lê Sĩ Triệt, nuôi dưỡng và truyền kiếm thuật.
Sau đó Lê Sĩ Triệt kết hôn cùng với Lý Thị Thiên Hương trong câu chuyện bên trên, rồi tòng quân theo lời kêu gọi của Võ Tánh, chống lại nhà Tây Sơn.
Võ Tánh (1768 -1801), sinh tại Phước An, Biên Hòa (nay là Bà Rịa, Vũng Tàu), sau đó chuyển về huyện Bình Dương, Gia Định. Ông là một vị tướng gan dạ và tài giỏi, có công rất lớn giúp chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, nhưng mất trước khi nhà Nguyễn chính thức được thành lập.
Vì không chịu thuần phục nhà Tây Sơn, từ năm 1783 – 1788, ông cùng người anh của mình là Võ Nhàn đã tập hợp lực lượng và nổi dậy, gọi là Nghĩa quân Kiến Hòa (còn gọi là Kiến Hòa Đạo), giương cao ngọn cờ Khổng Tước Nguyên Võ (Khổng Tước Nguyên là tên chữ của Gò Công), kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công.
Năm 1788, Võ Tánh theo chúa Nguyễn Ánh, và được chúa gả cho chị gái mình là Ngọc Du công chúa. Với tài năng và sức ảnh hưởng của mình, ông cùng với Đỗ Thanh Nhơn, Chây Văn Tiếp được gọi là Gia Định tam hùng.
Trong truyện truyền thuyết núi Bà Đen, Võ Tánh chỉ được nhắc qua. thuvienso.com.vn sẽ cùng các bạn hãy tìm hiểu một chút về tinh thần quả cảm và tấm lòng trung dũng của ông đối với nhà Nguyễn trong lịch sử.
Năm 1801, dưới sự chỉ huy của Thái Phó Trần Quan Diệu cùng Võ Văn Dũng, nhà Tây Sơn kéo binh đến bao vây thành Bình Định. Chúa Nguyễn Ánh đem đại quân đến giải cứu và đụng độ với quân Tây Sơn tại Thị Nại. Đây là trận thủy chiến lớn nhất của cuộc chiến tranh giữa triều Nguyễn và nhà Tây Sơn. Kết quả, quân Tây Sơn thua trận, nhưng vẫn không giải vây được thành Bình Định.
Võ Tánh sai người lén đem mật thư cho chúa Nguyễn Ánh, khuyên chúa mang đại binh ra chiếm Phú Xuân, cứ để ông cùng Ngô Tùng Châu giữ thành Bình Định để cầm chân quân Tây Sơn. Chúa Nguyễn theo lời, đã lấy được Phú Xuân vào tháng 5 – 1801.
Nhận được tin Phú Xuân thất thủ, Thái Phó Trần Quan Diệu cùng Võ Văn Dũng nổi giận, đốc thúc quân sĩ đánh thành ngày đêm, quyết lấy cho được Bình Định. Quân sĩ trong thành bị bao vây nhiều ngày, thiếu lương thực và mất hết sĩ khí chiến đấu. Đứng trước tình cảnh ấy, Võ Tánh đã gửi thư cho Trần Quang Diệu, xin tha chết cho quân sĩ trong thành, sau đó ông tuẫn tiết vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu (tức ngày 07 – 07 – 1801).
Xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh, Trần Quang Diệu sau khi chiếm được Bình Định đã sai người tẩm liệm thi hài ông tử tế và làm theo lời yêu cầu của ông, không giết hại hàng binh nhà Nguyễn.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, đã truy tặng Võ Tánh là Dực vận công Thần Thái úy Quốc công. Năm Minh Mạng thứ 12 (tức năm 1831), ông được truy phong là Hoài Quốc công.
Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), là một nhà chính trị, quân sự tài giỏi dưới triều Nguyễn. Cùng với Võ Tánh, ông là một trong các chỉ huy chính của chúa Nguyễn Anh trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở thành một đại thần quan trọng, phục vụ cả hai triều vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) và Minh Mạng (Nguyễn Phúc Đảm).
Ông là người gốc Quảng Ngãi, nhưng sinh ra và lập nghiệp tại Tiền Giang. Ông gia nhập quân đội chúa Nguyễn vào năm 1781, lập được nhiều chiến công hiển hách cho triều Nguyễn.
Năm 17 tuổi, ông chính thức làm thái giám trong cung. Nhưng với những công lao to lớn của mình lập cho triều Nguyễn, vua Gia Long đã gả một cung nữ về làm vợ ông, mặc dù ông là thái giám. (Điều này ít nhiều cho thấy thân phận thấp kém, tủi nhục của người phụ nữ trong xã hội phong kiến).
Do bất đồng với các chính sách của vua Minh Mạng nên ông đã bị triều định hạch tội, thậm chí phá lăng mộ sau khi mất. Chính việc này đã khiến người con nuôi của ông là Lê Văn Khổi nổi dậy, chống lại triều đình. Sau khi cuộc nổi dậy bị dập tắt, triều đình tiếp tục truy tội Lê Văn Duyệt. Phải sang đến đời Thiệu Trị, ông mới được hồi phục danh dự. (Vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Dung, con của vua Minh Mạng).
Năm 1868, ông được truy phục phục chức Chưởng Tả Quân Đại tướng quân, được thờ trong miếu Trung Hưng công thần ở Huế.
Năm 1966, hình ảnh Lê Văn Duyệt cũng từng được in trên mặt trước của tờ tiền 100 đồng của chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Năm 2008, ông được đúc tượng và đặt trang trọng trong điện thờ Lăng Ông (Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh). Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 2,65 m, nặng 3 tấn, do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện.
Trên đây là ba nhân vật lịch sử được nhắc tới trong truyện Truyền thuyết núi Bà Đen. Trong đó Lê Sĩ Triệt không có nhiều thông tin, cũng có thể chỉ là một nhân vật hư cấu, được kể lại trong các câu truyện cổ tích hay truyền thuyết Việt Nam.
Truyện Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh
– thuvienso.com.vn –
Truyền thuyết núi Bà Đen [Dị bản khác]
Truyền thuyết núi Bà Đen dưới đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, kể về cuộc đời của một cô gái tên Đênh chứ không phải Lý Thị Thiên Hương như bản kể của truyện sự tích núi Bà Đen bên trên.
Tương truyền rằng, khi xưa, thuở còn là phần đất của Cao Miên, tại vùng rừng núi Tây Ninh có một viên quan trấn thủ người Miên sinh được một người con gái xinh đẹp và hiền thục, tên gọi là nàng Ðênh.
Lúc nàng Ðênh 13 tuổi, có nhà sư người Tàu tên là Trung Văn Danh từ Bến Cát (Thủ Dầu Một) đến vùng núi Tây Ninh tìm chùa làm nơi hoàng dương Phật pháp. Khi đến nhà quan trấn, sư ông thăm hỏi việc truyền bá đạo Phật trong vùng và dò la kiếm nơi cất chùa hành đạo.
Thấy nhà sư trí tuệ uyên bác, quan trấn thủ mời nhà sư tạm nghỉ lại nhà mình, thừa dịp đó ông có cơ hội lĩnh hội Phật pháp. Sư ông vui vẻ nhận lời và từ đó bắt đầu truyền bá Phật pháp cho gia đình quan trấn.
Tuy tuổi còn trẻ nhưng sớm đã nhuộm màu thiền, nàng Ðênh miệt mài nghe sư ông giảng đạo. Quan trấn cũng mộ đạo nên thiết lập cho sư ông một cảnh chùa, nay còn di tích là chùa Ông Tàu, nằm về phía Ðông chân núi, phía làng Phước Hội đi lên.
Thời gian thấm thoát trôi qua, nghĩ lại đã mấy năm xa cách thiện nam tín nữ Bến Cát, sư ông bèn tạm biệt quan trấn để trở về thăm cảnh cũ người xưa.
Từ ngày sư ông vắng mặt, nàng Ðênh vẫn một lòng sùng kính Phật đạo, luôn luôn lo việc hương khói trong chùa.
Vốn con nhà trâm anh, lại tuổi tới tuần cập kê, nhan sắc nàng Ðênh càng ngày càng xinh đẹp, tiếng đồn khắp nơi. Quan trấn địa phương vùng Trảng Bàng có dinh đặt tại Sông Ðua thuộc làng Lộc Hưng (nay còn di tích), muốn hỏi cưới nàng Ðênh cho con trai trưởng của ông. Hai bên phụ mẫu thân sinh nàng Ðênh vui vẻ tán thành. Nhưng khi nói lại cho nàng Ðênh biết thì nàng tỏ rất bối rối, chưa biết trả lời ra sao, nàng xin cha mẹ đình đãi để kịp suy nghĩ.
Vì nàng Ðênh đã một lòng phát nguyện xuất gia tu hành, không thể lấy chồng, nên nàng luôn tìm cớ tránh mặt mỗi khi cha mẹ muốn bàn về hôn lễ.
Một đêm, khi cha mẹ ngủ yên, nàng Ðênh lén ra đi tìm nơi thuận tiện để tiếp tục tu hành. Mọi việc vỡ lở ra, quan trấn cho lính đi tìm nàng Ðênh khắp nơi, kẻ băng rừng, người lên núi, mãi đến trưa, quân lính tìm thấy trong kẹt đá một khúc chân của nàng Ðênh, có lẽ nàng bị thú dữ bắt ăn thịt còn sót lại một khúc chân, vội báo về cho quan trấn rõ.
Sau khi khóc than thương tiếc, quan trấn cho mai táng khúc chân nàng Ðênh trên núi và rước thầy tụng kinh giải oan cho nàng. Dân địa phương cho rằng, nàng Ðênh chết oan như thế ắt rất linh hiển, nên từ đó, khi gặp việc gì khó khăn thì khấn vái nàng Ðênh phù hộ thì thường được toại ý.
Việc nàng Ðênh hiển linh đồn xa, nhân dân rất sùng kính nên gọi nàng là Bà Ðênh để tỏ ý tôn kính.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Bao nhiêu năm sau, lúc ấy chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi rất gấp. Từ Gia Ðịnh, Nguyễn Ánh men theo đường mòn đi Tây Ninh định trốn qua Miên.
Lúc Nguyễn Ánh chạy đến Trảng Bàng thì quân Tây Sơn cũng đuổi theo gần tới, nhân dân cho biết trên núi có đền thờ một bà rất linh, ai cầu gì được nấy. Nguyễn Ánh liền sai quan Quốc công Lê Văn Duyệt phi ngựa lên núi cầu, xin bà chỉ giùm cách để quân sĩ thoát khỏi hiểm cảnh.
Trong đêm, Nguyễn Ánh được bà hiện ra trong giấc chiêm bao cho biết cứ theo đường sứ đến Tây Ninh, vòng qua núi, lên Võ môn Tam cấp, rồi qua Xiêm cầu viện, nghiệp lớn sẽ thành. Còn việc ngăn chặn quân Tây Sơn, bà sẽ lo liệu giúp.
Sau khi Nguyễn Ánh dẹp được nhà Tây Sơn, lên ngôi vua xưng là Gia Long, Nhớ ơn cũ, nhà vua cho đúc tượng bà bằng đồng đen để thờ và sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.
Dân chúng truyền nhau sự tích của Bà Ðênh, và vì kiêng úy ra nên gọi trệch là Bà Ðen.
Đây là một dị bản khác của câu chuyện truyền thuyết núi Bà Đen. Cả hai sự tích này đều được rất nhiều người dân vùng Tây Ninh biết đến.
Đôi nét về núi Bà Đen – Tây Ninh
Núi Bà Đen hay còn gọi là núi Một (tên cũ) hoặc núi Bà Đênh (tên cũ), là ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam, tọa lạc ở xã Thạnh Tân, phía đông bắc thành phố Tây Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 11km.
Quần thể di tích văn hóa lịch sử Bà Đen có diện tích khoảng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Trong đó núi Bà Đen cao khoảng 986 m, là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ.
Có 2 con đường để leo núi Bà Đen:
Lối thứ nhất: lối đường mòn nằm sau lưng chùa Bà. Đường này tuy ngắn nhưng khá khó đi, ẩn chứa nhiều nguy hiểm: lở đá, trơn trượt và rắn rết,… Ở đường này, có 4 điểm tiếp tế thức ăn và lương thực. Lối đường mòn này thích hợp cho những người có sức khỏe tốt, ham mê đi phượt, có kinh nghiệm đi rừng núi và đam mê khám phá xung quanh.
Lối thứ hai: lối đường mòn bắt đầu từ đài Liệt sĩ, men theo các cột điện dẫn lên đỉnh núi Bà Đen. Đoạn đường này khá dài và nắng, có ít người qua lại, đồng thời cũng không có trạm tiếp tế lương thực, thực phẩm như lối thứ nhất.
Trên đỉnh núi có 3 tháp phát sóng. Khí hậu mát mẻ, nhưng ban đêm rất lạnh. Một người bình thường sẽ mất thời gian khoảng từ 3h-4h để có thể leo núi Bà Đen tới đỉnh.
Nếu không muốn leo núi Bà Đen, khách du lịch có thể sử dụng dịch vụ cáp treo để tiết kiệm thời gian và công sức.
Ngày 18/01/2020, UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Sun Group đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cáp treo mới hiện đại tại Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, sau 1,5 năm thi công xây dựng. Hệ thống cáp treo hiện đại này đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển của khách tham quan núi Bà Đen – Tây Ninh, đồng thời góp phần làm giảm tình trạng quá tải vào mỗi dịp đầu năm mới.
Dự án núi Bà Đen – Sun Griup được đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2000 tỷ đồng, hệ thống cáp treo núi Bà Đen được thực hiện dưới sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr và bao gồm hai tuyến cáp.
Tuyến cáp số 1: bắt đầu từ chân núi lên đỉnh Bà Đen có chiều dài 1.847 m, gồm 113 cabin (10 người/cabin), công suất vận chuyển 4.400 khách/giờ. Với vận tốc 8 mét/giây, thời gian di chuyển từ chân núi lên đỉnh cao 986m của núi Bà Đen là 8 phút.
Tuyến cáp số 2 từ chân núi lên chùa Bà Đen có chiều dài 1.210 m, bao gồm 78 cabin (10 người/cabin). Với vận tốc 8 mét/giây, thời gian di chuyển lên đỉnh chỉ 5 phút và công suất vận chuyển 4.400 khách/giờ.
Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.
Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.
Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.
Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh [Truyền thuyết Việt Nam]
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh
Sự tích núi Bà Đen – Tây Ninh là truyền thuyết Việt Nam, kể về nguồn gố