no-nhu-chua-chom

Nợ như chúa Chổm [Truyện cổ tích Việt Nam]
Câu chuyện Nợ như chúa Chổm
Nợ như chúa Chổm là câu thành ngữ nói về việc ai đó mắc nợ quá nhiều không thể trả. Câu

Nợ như chúa Chổm [Truyện cổ tích Việt Nam]

Câu chuyện Nợ như chúa Chổm

Nợ như chúa Chổm là câu thành ngữ nói về việc ai đó mắc nợ quá nhiều không thể trả. Câu chuyện Nợ như chúa Chổm sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về thành ngữ này.

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được. Cuối cùng nhà vua cất lẻn trốn đi nhưng chẳng được bao lâu đã bị Mạc Đăng Dung bắt đem về giam lại.

Hồi ấy ở trại giam, có một cô hàng rượu vẫn thường gánh rượu đến bán cho lính canh ngục. Một hôm, cô hàng đưa rượu vào bán, thấy có một phạm nhân mới mặt mũi khôi ngô bị giam riêng ra một nơi. Khi biết người đó là vua, cô hàng có ý muốn làm quen. Mỗi lần bán rượu cho ngục tốt nàng đều rót rượu cho vua uống. Dần dà giữa hai người một mối tình nhóm lên. Một hôm cô hàng cất một mẻ rượu rất ngon lại có pha thuốc mê đem đến chuốc cho quân canh. Chờ cho họ nằm gục xuống, nàng bèn vào tình tự với vua.

Từ đó cô hàng rượu có thai. Nhà vua biết mình không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của Mạc, bèn giao ấn ngọc lại cho nàng và nói:

– Nàng hãy giữ vật này làm tin, nếu sau này đẻ con trai, sẽ có ngày nó phục thù cho cha.

Không bao lâu, nhà vua quả bị họ Mạc sai người vào ngục giết chết. Tất cả hoàng hậu, thái tử, công chúa, phi tần của vua đều chịu chung số phận. Xong việc đó, Mạc chiếm lấy ngôi Lê làm vua nước Đại Việt.

Cô hàng rượu được tin không còn hồn vía nào nữa. Nàng trốn đi nơi khác làm thuê làm mướn, sống một cuộc đời lẩn lút. Đủ ngày đủ tháng, nàng sinh được một người con trai đặt tên là Chổm. Lớn lên, Chổm được vào chùa ở với sư cụ Thạch Toàn học kinh kệ. Hắn rất sáng dạ nhưng phải cái nghịch ngợm thì không ai bằng.

Một hôm đi chơi về đói, Chổm thấy trước tượng Mụ Thiện có bày một mâm bồng đầy chuối và quýt. Anh chàng rón rén đến bệ, bịt mắt Mụ Thiện lại và bẻ chuối ăn. Bất đồ sư cụ ở đâu đi vào trông thấy liền nọc cổ Chổm ra đánh. Chổm tức lắm, chờ lúc sư đi vắng lấy giấy viết mấy chữ “Mười tay mười mắt không giúp được gì cho ta. Thật là vô ích. Phải đày đi phương xa”. Viết xong dán vào ngực Mụ Thiện. Đêm hôm ấy, sư cụ tự nhiên mộng thấy Mụ Thiện bảo mình rằng:

– Nhà vua đói nên mới ăn, sao lại đánh ngài để ngài đuổi ta đi? Phải mau mau tìm cách xin lỗi ngài, để ngài tha cho ta.

Tỉnh dậy, sư cụ rất phân vân, mới gọi chú tiểu Chổm vào kể chuyện cho biết và bảo bóc giấy đi. Sư cụ hỏi anh chàng:

– Cha con là người ở đâu?.

Chổm đáp:

– Con lớn lên chưa từng nghe nói có cha.

Sau đó Chổm trở về hỏi mẹ:

– Mẹ, cha con là người như thế nào?

Mẹ sợ không dám nói sự thật cho con biết, đáp:

– Cha con là người họ Lê, bị hổ ăn thịt chết rồi.

Nghe nói Chổm rất buồn. Từ hôm đó anh chàng lập tâm giết hổ để báo thù cho cha.

Một hôm, Chổm vào rừng chơi, thấy một con hổ đang ngủ dưới gốc cây, liền rón rén cầm một hòn đá lớn ném mạnh vào đầu hổ, hổ vỡ óc chết tươi. Đang nắm đuôi hổ lôi về thì Chổm bỗng gặp một con hổ khác xông ra. Chổm sợ quá, quẳng xác hổ cắm đầu chạy. Nào ngờ khi hổ sắp đuổi kịp thì tự nhiên có một ông già tay cầm côn sắt ở trong rừng hiện ra đánh chết con hổ dữ. Chổm thoát chết, sụp lạy ông già. Ông già trao cho chàng cái côn, bảo:

– Con hãy học một ít miếng võ để mà hộ thân.

Chổm sung sướng vâng lời. Dạy xong, ông già cho Chổm cái côn rồi đi mất.

Từ đó, Chổm dùng côn làm vũ khí tùy thân. Một hôm, đi qua một cái miếu, nghe đồn có nhiều yêu quái hại người, Chổm bèn cầm côn trèo tường nhảy vào tìm yêu quái. Một lát, ở trong hang sâu bò ra một con rắn lớn mắt sáng như sao, miệng phun khí độc toan vồ lấy Chổm. Chổm giơ thần côn vụt lấy vụt để vào đầu rắn. Rắn chết, từ đó trong xóm được yên ổn.

Hai mẹ con Chổm về sau thấy yên lại trở về chốn cũ. Hàng ngày, anh chàng đi kiếm củi hoặc làm thuê làm mướn nuôi mẹ. Những lúc bụng đói, Chổm thường vào ăn cơm hay mua thức ăn ở các quán cơm tại cửa ô. Hàng nào được Chổm vào ăn cơm là hôm đó bán đắt như tôm tươi, còn các hàng khác chỉ ngồi xua ruồi. Người ta cho là Chổm nhẹ vía nên hàng nào cũng muốn mời anh ta vào ăn, dù bán chịu cũng được. Chổm được thể ngày nào cũng đánh chén loang toàng và tiêu pha bạt mạng. Toàn là ăn chịu, mua chịu. Ai hỏi nợ, hắn đều bảo:

– Đến ngày tôi làm nên, sẽ xin trả chu tất.

Hồi bấy giờ có một vị quan tên là Nguyễn Kim trốn sang Lào mưu đồ việc diệt Mạc. Vua nước Lào nhường cho ông miếng đất Sầm Châu làm căn cứ để lo việc khởi nghĩa. Qua mấy năm chiêu binh mãi mã, Nguyễn Kim đã gây dựng được lực lượng. Nhưng ông ta còn muốn tìm một người thuộc dòng chính thống để bá cáo với thiên hạ. Khốn nỗi, con cháu vua Lê đã bị Mạc giết hại hầu hết. Một đêm nọ Nguyễn Kim thấy một vị thần nhân hiện ra trong giấc mộng bảo ông:

– Thiên tử ra đời đã lâu, sao không đón về, còn chờ gì nữa?

Ông hỏi:

– Xin Ngài hãy chỉ cho biết, thiên tử hiện giờ đang ở đâu?

– Cứ đi về phía Tây kinh thành, ở dãy hàng cơm đúng ngày thìn giờ ngọ, hễ thấy rồng đen quấn cột là chính thị thiên tử.

Sau khi tỉnh dậy, Nguyễn Kim rất mừng, bèn mang theo một ít bộ hạ cải trang đi tìm con cháu nhà Lê theo như lời thần nhân đã mách. Hôm đó, Chổm đang ngồi ở hàng cơm, thấy có người khách lạ đi qua bèn đứng ôm lấy cột nhìn ra. Nguyễn Kim rảo qua một lượt, chỉ thấy quấn cột là một chàng trai trẻ tuổi, da đen sì, nhưng thấy dáng điệu hèn hạ nên cũng không để ý.

Đêm hôm đó Nguyễn Kim lại mộng thấy thần trách:

– Ta đã mách cho biết thiên tử mà không nghe. Ngày mai ra bờ sông, hễ thấy ai đội mũ sắt, cưỡi thuyền rồng là đúng.

Ngày hôm sau, Nguyễn Kim chực ở bờ sông nhìn những thuyền bè qua lại, nhưng chờ mãi chẳng thấy ai đội mũ sắt cả. Mãi đến gần tối có một chuyến đò ngang, trong đó có Chổm và một người bán chảo gang. Gặp khi trời đổ cơn mưa, Chổm không có nón, phải mượn chiếc chảo úp lên đầu cho đỡ ướt. Nhưng Nguyễn Kim không chú ý vì thấy y không có vẻ gì là người quyền quý. Thần lại xuất hiện trong giấc mộng của Nguyễn Kim trách ông ta không nghe lời mình rồi bảo:

– Ngày mai cứ đến chỗ quán cơm cũ tìm người nào “đi chữ đại, trở lại chữ vương” thì đón về.

Qua ngày sau, Nguyễn Kim và bộ hạ lại kéo nhau đi tìm. Họ quả thấy anh con trai hôm nọ bây giờ đang rượu say nằm trong quán cơm, đầu gối lên ngọn côn, hai tay bỏ xuôi xuống, hai chân dạng ra hai bên như chữ “đại” 大. Bỏ đi một lúc, đến lúc trở lại họ thấy Chổm cựa mình, lúc này ngọn côn trật lên khỏi đầu, hai tay bỏ ra trước ngực, còn hai chân thì xếp bằng tròn như chữ “vương” 王. Bấy giờ Nguyễn Kim mới tin chắc anh chàng này là người thần có ý mách cho mình, bèn giả cách vào quán ăn uống, chờ Chổm dậy sẽ đến làm quen.

Chổm chợt tỉnh, thấy một người khăn áo có vẻ quyền quý đến sát giường mình, thì cầm côn chực bỏ chạy. Nhưng Nguyễn Kim đã giữ Chổm lại thưa rằng:

– Xin điện hạ đừng sợ.

Chổm ngạc nhiên đáp:

– Ô hay! Điện hạ nào. Tôi là thằng Chổm đây!

Nhưng thấy người quyền quý ấy có vẻ ân cần khi hỏi thăm cha mẹ và chỗ ở, Chổm an tâm hơn trả lời:

– Tôi họ Lê, cha bị hổ ăn thịt, còn mẹ ở nhà.

Nghe nói là họ Lê, bọn Nguyễn Kim mười phần đã chắc đến bảy tám, liền theo Chổm về đến tận nơi. Trước những người khách lạ, mẹ Chổm nửa mừng nửa sợ. Mãi đến khi biết được thiện ý của bọn họ, bà mới đưa ấn ngọc ra và kể rõ tình đầu.

Thế là từ đó Chổm cùng mẹ từ giã ngôi nhà nát ở ngoại thành, lên đường đến Sầm Châu lo việc phục thù cho cha. Thanh thế quân Lê mỗi ngày một to. Vua Mạc nghe tin sai tướng đem sáu mươi vạn quân vào đánh. Qua bao nhiêu trận kịch chiến, quân Lê đại thắng. Rồi không bao lâu, quân của Chổm tiến đánh ra Bắc. Quân Mạc hễ thấy quân Lê đến đâu là bỏ chạy đến đó. Bấy giờ Chổm đường đường là một vị chúa uy thế lẫy lừng.

Đến ngày khải hoàn, trở về kinh thành, khi quân gia đang trên đường tiến vào cửa ô thì bỗng có một số người chủ hàng cơm ngày xưa bán chịu cho Chổm, từ đâu kéo ra để chào người quen và để đòi nợ cũ. Thấy thế, bọn lính đi trước dẫn đường toan bắt tội vô lễ. Nhưng chúa Chổm ngăn lại, rồi kể chuyện ăn chịu thủa còn hàn vi cho các tướng sĩ nghe. Đoạn bảo quan hầu lấy tiền ra trả cho họ.

Lúc đó có nhiều người thấy kẻ kia đòi được nợ cũng xúm lại kể ơn nghĩa cũ: kẻ tính thành năm quan, người kể thành mười,… biến thành một cuộc truy nợ đông như đám hội. Bọn quan hầu đếm tiền mãi không xiết vì con số chủ nợ ngày một tăng. Bọn họ bèn nghĩ ra được một kế là đứng trên kiệu vung tiền xuống cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mọi người thấy thế đổ xô ra cướp. Dần dần quan quân tiến đến phố cứ như bây giờ là vườn hoa cửa Nam. Một viên đại tướng nghĩ chúa mình sắp lên ngôi tôn mà người đòi nợ cứ chạy theo réo mãi như thế này thì còn thể thống gì nữa, mới viết vào một tờ giấy hai chữ “cấm chỉ”  dán ở giữa phố và sai một toán quân đóng lại đó, ra lệnh hễ thấy ai còn đòi nợ chúa nữa thì chém ngay. Nhờ thế, người ta mới thôi réo và không đuổi theo xe Chổm.

Chúa Chổm vào đến hoàng cung thì trời sắp tối. Thấy văn võ bá quan ai cũng mong muốn mình lên ngôi ngay để yên lòng thiên hạ, Chổm bèn ngửa mặt khấn trời rằng:

– Hỡi thượng đế, nếu tôi xứng đáng nối nghiệp nhà Lê thì xin quay mặt trời trở lại chính ngọ, bằng không thì tôi sẽ trở về chốn cũ làm ăn, giao quyền vị lại cho người khác.

Khấn được một lúc, quả nhiên trời sắp tối bỗng sáng hẳn, mặt trời lại treo giữa đỉnh đầu. Chổm đường hoàng bước lên làm lễ đăng quang, tự xưng hoàng đế. Lễ hoàn tất, mặt trời tự nhiên kéo một mạch về phương Tây lặn mất. Trời bỗng lại tối sầm như mực; lúc mọi nhà vừa thắp đèn lên thì gà vừa gáy canh.

Ngày nay còn có câu tục ngữ Nợ như chúa Chổm và có câu phong dao:

Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng

Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

Chúa Chổm mắc nợ tì tì,

Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô.





Ở chỗ vườn hoa cửa Nam bây giờ, cũng do sự tích trên mà người ta còn gọi là “Ngã tư Cấm chỉ”.

Câu chuyện Nợ như chúa Chổm – Truyện cổ tích Việt Nam

– thuvienso.com.vn –

Chúa Chổm là ai?

Chúa Chổm tức vua Lê Trang Tông (1515- 1548), tên thật là Lê Ninh, ông là vị hoàng đế thứ 12 của nhà Hậu Lê và là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam.

Ông là con trai của vua Lê Chiêu Tông và bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông được cựu thần Nguyễn Kim đón về làm vua, tái lập triều đại. Đến khoảng đầu thập niên 1540, quân Lê chiếm lại hai vùng Thanh Hóa và Nghệ An làm căn cứ chống lại nhà Mạc, mở ra giai đoạn Nam – Bắc triều. Ông qua đời vào năm 1548, ngôi hoàng đế được truyền cho Thái tử Lê Huyên, tức Lê Trung Tông.

Giai thoại trên có một số tình tiết dựa theo lịch sự, một số tình tiết là hư cấu. Lịch sử ghi lại mẹ của Lê Ninh là ngự nữ Phạm Thị Ngọc Quỳnh, bà đã gắn bó với Chiêu Tông được vài năm chứ không phải là người con gái bán rượu trong ngục. Khi vua Lê Chiêu Tông bị sát hại thì bấy giờ Lê Ninh đã lên 11 tuổi chứ không phải mới sinh. Khoảng cách tuổi tác giữa vua cha Chiêu Tông và vua con Trang Tông cũng là quá ngắn, chỉ có 9 năm. Thậm chí khi cầu viện sự giúp đỡ từ nhà Minh (Trung Quốc), nhà Mạc đã phân trần về việc cướp ngôi nhà Lê nói rằng: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của Chiêu Tông.

Đoạn kết giai thoại chắc chắn là không có thật, vì Lê Ninh qua đời năm 1548, khi đó nhà Lê vẫn chưa khôi phục được kinh thành Thăng Long.

Nợ như chúa Chổm nghĩa là gì?

Dân gian thường có câu “Nợ như chúa Chổm”, để nói về việc ai đó mắc nợ quá nhiều, nợ người này chưa kịp trả đã phải đi vay của người khác, cứ thế chồng chất đến mức không thể trả nổi.

Giai thoại kể trên đã giải thích cho chúng ta thấy rất rõ về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của câu nói Nợ như chúa Chổm là gì.

Giới thiệu câu chuyện Của Thiên trả Địa

Có khá nhiều các câu thành ngữ được bắt nguồn từ các câu chuyện cổ tích Việt Nam. Của Thiên trả Địa cũng là một câu nói quen thuộc thường xuyên được sử dụng, có ý chỉ những thứ của cải bỗng nhiên có được mà không phải do sức mình làm ra, rồi lại nhanh chóng mất đi không sao giữ được. Những thứ vật chất ấy được gây dựng lên từ những việc làm sai trái, phi pháp, bất nghĩa rồi cũng sẽ phải trả giá.

Thành ngữ Của Thiên trả Địa được kể lại qua một câu chuyện cổ tích cùng tên, nội dung lên án những kẻ vong ơn bội nghĩa, qua đó nói lên mong ước về sự công bằng của người xưa trong xã hội cũ.

Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.

Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.

Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.

Nợ như chúa Chổm [Truyện cổ tích Việt Nam]
Câu chuyện Nợ như chúa Chổm
Nợ như chúa Chổm là câu thành ngữ nói về việc ai đó mắc nợ quá nhiều không thể trả. Câu

md

Related Posts

vu-kien-chau-chau

Vụ kiện châu chấu [Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam] Truyện cổ tích Vụ kiện châu chấu Vụ kiện châu chấu là câu chuyện cổ tích, qua đó giải…

Read more

vua-chuot-ken-re

Vua Chuột kén rể [truyện vui Nhật Bản] Vua Chuột kén rể Vua Chuột kén rể là một câu chuyện vui của Nhật Bản có tính chất châm biếm. Vua…

Read more

vua-heo

Vua Heo [Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam] Truyện cổ tích Việt Nam – Vua Heo Vua Heo là câu chuyện cổ tích Việt Nam, kể về một người…

Read more

vua-qua

Truyện cổ tích Vua Quạ [Truyện cổ Grimm ý nghĩa] Câu chuyện Vua Quạ – Truyện cổ Grimm Vua Quạ là truyện cổ Grimm, kể về một vị vua đem…

Read more

vuong-quoc-chuot

Vương quốc chuột [Truyện cổ tích về loài vật] Câu chuyện Vương quốc chuột Vương quốc chuột là truyện cổ tích về loài vật, nội dung kể lại cuộc sống…

Read more

xin-chon-o-nui-vang

Xin chôn ở núi vàng [Truyện cổ tích dân tộc Chăm] Truyện cổ tích Xin chôn ở núi vàng Xin chôn ở núi vàng là truyện cổ tích dân tộc…

Read more