ong-dung-ba-dung

Posted by

Ông Đùng, bà Đùng [Truyện cổ tích dân tộc Mường]
Truyện sự tích Ông Đùng, bà Đùng
Ông Đùng, bà Đùng là truyện truyền thuyết của dân tộc Mường, nhằm giải thích

Ông Đùng, bà Đùng [Truyện cổ tích dân tộc Mường]

Truyện sự tích Ông Đùng, bà Đùng

Ông Đùng, bà Đùng là truyện truyền thuyết của dân tộc Mường, nhằm giải thích một số đặc điểm tự nhiên vùng sông Đà thông qua trí tượng tượng của người xưa.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, trời đất còn chưa phân tách rõ ràng, nhờ có mụ Dạ Dần [1] đẻ đất đẻ nước mà người Mường có các xứ Mường như ngày nay. Khi Mường Bi [2] được tạo lập xong thì dân Mường thấy xuất hiện một đôi vợ chồng to lớn khác thường. Ông Đùng, và Đùng đứng cao lắm, có dễ đứng cao hơn năm lần đỉnh núi cao nhất. Đứng ở Mường Bi mà nhìn lên tận Châu Mộc, Sơn La, nhìn xuống mãi đồng bằng giáp biển, nhìn xa tới Thanh Hóa.

Không biết học ai mà ông bà nói được tiếng Mường. Người Mường thấy ông bà cao lớn quá, gọi là ông Đùng, bà Đùng [3] nghĩa là ông bà khổng lồ. Người ta còn đồn rằng, ông bà Đùng là người nhà Trời, xuống giúp dân Mường Bi gây dựng cơ nghiệp.

Mụ Dạ Dần làm ra đất nước, song đất nước hồi ấy còn chưa ra một cơ ngơi đâu và đâu cả. Đất thì cao thấp lồi lõm, cây cối mọc nhằng nhịt rối bời. Nước thì chảy từ trong lòng đất ra, chảy khắp Mường tràn trề, chan chứa. Ông Đùng, bà Đùng liền ra tay nhổ cây, san đất. Chỉ vẻn vẹn có một ngày, ông bà đã làm thành cánh đồng Thạch Bi rộng rãi, màu mỡ để lấy chỗ cho dân Mường ở và cày cấy. Lại thấy nước quá nhiều, ông Đùng bàn với vợ làm một con đường lớn dẫn nước đi. Bà Đùng thuận lời chồng và hai ông bà khởi công bới đất từ Sơn La trở xuống.

Ông Đùng lom khom dùng tay bới đất đằng trước, bà Đùng hì hụi vét đất đằng sau. Hai ông bà vừa làm vừa nói chuyện nên không thấy mệt mỏi gì cả. Họ làm suốt từ lúc mặt trời thức đến lúc mặt trời đi ngủ vẫn không nghỉ. Họ làm liền từ lúc trăng mẹ đẻ hàng vạn trăng non (tức sao), rồi các con đi xa hết vẫn chưa thôi. Dòng nước theo con đường mới do ông bà Đùng đào bới vượt qua núi, qua đồi, đổ về xuôi, chảy thành dòng hẳn hoi chứ không tràn lan như trước nữa.

Làm xong, ông bà Đùng ngẩng đầu nhìn lại mới hay sông có dài thật nhưng vì mải chuyện, lại bới vét cả ban đêm nên không thẳng như dự tính mà ngoằn ngoèo như sông Đà [4] bây giờ. Những nơi đất đá vét chưa hết cản trở tạo thành thác ghềnh. Cũng chính vì thế mà sông Đà có đến “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”.

Từ ngày có sông dẫn nước chảy xuôi, ông Đùng, bà Đùng thường xuyên đi sửa sang. Và cũng kể từ ngày có sông dẫn nước, dân Mường từ trên núi cao, rừng xa kéo xuống làm ăn dọc bến sông ngày càng đông đúc. Bên sông đã thấy những xóm chài. Trên sông xuất hiện ngày càng nhiều những thuyền bè đi lại. Người xuôi nhờ có sông Đà, ngược thuyền lên trao đổi hàng hóa với người Mường, còn người Dao, người H’Mông tận trên núi đá cao chót vót cũng biết theo thuyền về bán lâm thổ sản.

Nhưng đến một ngày kia, tự nhiên mặt sông vắng lặng. Có một con chim diều hâu từ đâu bay đến. Bóng nó bay rợp cả một làng chài. Ngày nào nó cũng bay đi bay lại dọc sông Đà, gặp người nó quắp người, gặp thuyền bè nó dùng cánh gây sóng gió đánh chìm, gây nên biết bào tai họa suốt cả dọc sông Đà.

Thấy dân bị chim ác quấy nhiễu, ông Đùng quyết làm nỏ bắn chim. Ông đi khắp đất Mường tìm cây to cao để làm cánh nỏ, tìm dây dài chắc để làm lẫy nỏ. Ông Đùng chọn những cây tre già, thẳng, cứng và sắc để làm mũi tên. Có nỏ cứng, có tên nhọn sắc rồi, ông Đùng chờ ngày giáp trận với con chim ác.

Vào một ngày kia, quả nhiên theo thói quen, con diều hâu bay ngược sông Đà tìm mồi. Từ xóm Ban [5], ông Đùng giương nỏ nhằm chim ác bắn. Mũi tên bay vun vút cắm ngay vào ức diều hâu. Con chim ác đảo cánh lúng liếng, toan tìm cách trốn chạy. Nhưng không kịp rồi. Máu và mỡ của chim ác rơi xuống dọc bờ sông từ xóm Ban lên tới tận mường Chu Hoa [6]. Cũng từ đó người ta không còn thấy bóng con chim ác nữa. Mặt nước sông Đà lại tấp nập đông vui bè xuôi, thuyền ngược.

Dân truyền rằng, dọc sông Đà từ xóm Ban tới mường Chu Hoa có những hòn đá nhầy nhượt, người ta gọi là đá mỡ. Đá mỡ trơn, người dẫm phải dễ trượt ngã. Nếu nhúng đá xuống nước có váng mỡ nổi lên. Họ bảo đấy là mỡ chim diều hâu đã bị ông Đùng bắn trúng trước đây rơi thấm vào đá đến bây giờ vẫn còn đầy rẫy.

Từ ngày có sông Đà, thuyền bè đi lại rất thuận tiện, nhưng bà con đi lại đôi bờ phải nhờ vào đò mảng. Một lần ông Đùng đi đến bến Hạt [7], thấy ở đây họp chợ chiều, dân Mường Bi ai cũng vội vàng mua bán để về cho kịp đò kẻo tối. Ông Đùng quyết định bắc một cây cầu qua sông Đà cho dân đi. Gần trưa ông đến bến Hạt. Ông ngồi đối diện với chợ, tay nhặt những hòn sỏi, rồi ngẫm nghĩ cách bắc cầu. Ông bảo bà Đùng đi lấy đá. Trời chiều dần, dân Mường dồn ra sông mỗi lúc một đông xem ông Đùng, bà Đùng bắc cầu qua sông. Nhiều người sốt ruột giục:

– Ông Đùng ơi, bắc cầu cho chúng tôi về đi.

Nhưng bà Đùng chưa lấy đá về. Ông Đùng chờ, chờ mãi. Mặt trời đã xuống núi rồi. Không thể để dân về đêm hôm khổ sở, ông Đùng liền vắt một chân làm thành cây cầu qua sông cho mọi người sang. Dân các Mường chen nhau trèo lên chân ông. Trẻ em, trai tráng, người khỏe mạnh nhanh chân sang trước. Bao nhiêu người già gùi hàng nặng phải đi sau.

Trời tối đen, một người sợ ngã bèn đốt đuốc soi, thỉnh thoảng lửa lụi, họ lại dụi than vào chân ông. Cho tới kho họ sang hết bờ bên kia thì từng mảng lông chân ông sem sém bắt lửa cháy. Dân Mường Bi đi trên núi đều trông thấy cả. Thế là tin ông Đùng dùng chân bắc cầu bị bỏng lan đi khắp vùng.

Lại nói về bà Đùng, chiều hôm đó bà đang đi lấy đá thì gặp một người Mường Bi than với bà là con của bà ta ốm, có lẽ không sống nổi. Bà Đùng động lòng thương, bảo bà ta đứng đợi, còn bà Đùng vào rừng kiếm cây thuốc. Đưa thuốc cho bà đó xong thì trời vừa rối, bà bê vội một ôm đá hấp tấp đi về phía bến Hạt. Khi tới chợ Bờ thì hay tin chồng bị bỏng, bà thả vội đá xuống sông chạy lên cứu chồng. Số đá mà bà ôm thả xuống sông là Thác Bờ ngày nay. Và cũng chính vì thế mà ghềnh đá ở Thác Bờ ngổn ngang, hòn to, hòn nhỏ, hòn đứng, hòn ngồi thiên hình vạn trạng.

Truyện Sự tích Ông Đùng, bà Đùng

Nguồn: Kể chuyện 4, trang 58, NXB Giáo dục – 1989

– thuvienso.com.vn –



Chú thích trong truyện Ông Đùng, bà Đùng

Ý nghĩa truyện truyền thuyết Ông Đùng, bà Đùng

Truyền thuyết Ông Đùng, bà Đùng mang dáng dấp truyện thần thoại của dân tộc Mường, nhằm giải thích một số đặc điểm tự nhiên vùng sông Đà thông qua trí tượng tượng kì vĩ của người xưa. Chẳng hạn như việc giải thích ghềnh thác trên sông Đà, sự tích đá mỡ, sự tích Thác Bờ.

Truyện cũng nhằm ca ngợi sức lao động cải tạo thiên nhiên của các dân tộc vùng sông Đà trong trường tồn lịch sử.

Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.

Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.

Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.

Ông Đùng, bà Đùng [Truyện cổ tích dân tộc Mường]
Truyện sự tích Ông Đùng, bà Đùng
Ông Đùng, bà Đùng là truyện truyền thuyết của dân tộc Mường, nhằm giải thích

Recent Posts

Tags

Chưa có nội dung nào để hiển thị ở đây.