Sự tích chim Thù Thì [Truyện cổ tích dân tộc Bru – Vân Kiều]
Truyện Sự tích chim Thù Thì
Sự tích chim Thù Thì là truyện cổ tích của người Bru – Vân Kiều,
Sự tích chim Thù Thì [Truyện cổ tích dân tộc Bru – Vân Kiều]
Truyện Sự tích chim Thù Thì
Sự tích chim Thù Thì là truyện cổ tích của người Bru – Vân Kiều, thể hiện mong muốn ở hiền gặp lành của người xưa và giải thích nguồn gốc của chim Thù Thì.
Có hai anh em nghèo khổ, nhưng lại ngủ quay lưng với nhau, nấu nồi cơm riêng, đốt bếp lửa riêng, nên càng nghèo thêm.
Hai người cùng một mẹ sinh ra, nhưng tính tình khác nhau. Người anh tham lam và cáu kỉnh, người em thật thà và vụng dại.
Mỗi lần đi làm ăn nơi xa về, người anh thường, người anh thường lân la đến sàn nhà em. Đợi cho em đi vắng, quơ vét hết của cải đem về góc sàn mình. Khi người em trở về thấy của cải nhà mình bị mất trộm, tủi thân ngồi khóc ti tỉ.
Có lúc người em hỏi anh có giấu của mình không, liền bị anh xỉ vả thậm tệ. Từ đó, mỗi lần mất của, người em chỉ còn biết đem kèn khui ra thổi những điệu buồn, gửi gắm nỗi lòng cay cực của mình theo tiếng gió.
Một hôm, Giàng đi chơi giữa các tầng mây (Giàng là vị thần tối cao trên trời, theo cách gọi của một số dân tộc Tây Nguyên) chợt nghe thấy tiếng kèn ngân đến tai, bèn bảo con gái:
– Người nào thổi giọng kèn như con vượn ốm lạc đàn thế? Con xuống dưới ấy xem sao?
Người con gái của Giàng theo vầng mây trắng sà thấp bay về bản có tiếng kèn buồn. Chân chạm đất, người biến thành một cô gái miền rừng xinh đẹp, đến dưới thang sàn người em út, gọi:
– Người con trai ơi! Cho tôi lên sàn xin tí lửa châm thuốc!
Thấy cô gái đẹp gọi mình, anh con trai út sợ quá, dụi tắt lửa, trả lời:
– Nhà tôi không còn mẹ, không có chị gái, em gái, tôi không tiếp khách con gái.
Mặc cho người em út từ chối, cô gái thoăn thoắt leo lên sàn và ngồi bên bếp lửa.
Không xua được người con gái lạ, người em út vội lén trốn ra khỏi nhà. Khi biết người em út đã đi xa, cô gái lục lọi hết mọi xó xỉnh trên gác, dưới sàn. Cô chẳng thấy gì ngoài một chiếc khố rách, vài bắp ngô ăn dở và một chiếc nồi sứt mẻ của người em út.
Tối ấy, cô trở về trời, bảo với Giàng:
– Cha ơi! Gió lùa vào nhà người con trai ấy chỉ thấy tung tro với bồ hóng. Của cải trong nhà anh ấy có một con gà trống ăn không cứng một bọc diều. Anh ấy sống một mình buồn hơn cả tiếng kèn khui.
Giàng nghe thế, ngồi trầm ngâm giây lát mới hỏi con:
– Con có cách gì giúp người con trai ấy được không?
Cô gái liền trả lời:
– Con chỉ mang được tiếng cười về thay cho điệu buồn kèn khui của anh ấy.
Giàng gật đầu, bảo:
– Phải thế! Người buồn như cây héo từ trong ruột. Ruột cây héo làm canh cây khô, lá cây vàng, chồi cây không đủ sức tách lớp vỏ cây dày… Con đi đi.
Sáng hôm sau, người con gái Giàng lại theo vầng mây sớm xuống lại mặt đất.
Cô gái đến nhà lúc người em út đi làm vắng.
Cô lo quét dọn nhà cửa, mang bầu đi xách nước, nướng chín ngô đặt lên sàn bếp.
Nghe tiếng động ở chân sàn, cô gái vội náu mình vào một góc tối.
Người em út thấy nhà cửa mình quang sạch, các bầu, ống đều đầy ắp nước, cả những bắp ngô cũng được nướng chín thơm tho thì lạ lắm. Anh tìm xung quanh các xó xỉnh trong nhà, lại bắt gặp đôi mắt sáng của cô gái. Anh ta sợ hãi, hỏi:
– Cớ sao cô lại đến nấp trong xó tối nhà tôi?
Cô gái bước ra chỗ sáng. Vẻ đẹp và nụ cười rạng rỡ của người con gái làm người con trai út lóa mắt, càng thêm run sợ.
Cô gái hỏi anh:
– Anh sợ tôi à? Nào tôi có gì đáng sợ đâu? Cha tôi thấy anh cực khổ, nên bảo tôi đến giúp anh!
Người con trai trả lời:
– Tôi không có của cho cô ăn.
– Tôi đi đào củ, hái trái, tôi ăn và cả anh cùng ăn nữa. – Cô gái đáp thế.
Người con trai vẫn phân vân:
– Tôi làm việc nhiều mùa rẫy, nhiều tuần trăng tròn, trăng lặn vẫn không có của đổi lấy một chiếc khố lành.
Cô gái cướp lời:
– Cha mẹ bảo tôi về cùng anh làm vợ, làm chồng.
Người con trai hoảng quá, lắc đầu nguây nguẩy:
– Không được đâu! Không được đâu! Tôi không có tiền làm của bỏ. Tôi không có bạc nén, nồi đồng, bò, lợn, làm lễ cưới.
Cô gái sấn tới nắm tay anh, cởi chiếc vòng đẹp trên tay mình trao cho anh, bảo:
– Cha mẹ không đòi của bỏ, không hỏi của chồng để làm lễ cưới.
Sau một lúc ngỡ ngàng, từ chối không được, anh con trai nhận làm chồng cô gái.
Hôm sau, cô gái bảo:
– Vợ chồng ta lên chỗ cha mẹ em xin của làm Khơi. Anh nắm lấy tay em mà đi.
Người em út nắm lấy tay vợ bước ra sân, chợt thấy mình nhẹ bẫng và bay bổng lên không trung. Hai người bay cao mãi, cao mãi, cao mãi đến vùng trời xa xôi, nơi ở của Giàng.
Giàng mừng rỡ ra đón con gái và con rể vào bản. Anh con trai dùng dằng, bảo:
– Cha ơi! Con chưa có của làm lễ Khơi nên không dám cho vợ con lên nhà.
Giàng nghe thấy thế, gật đầu, cho vợ chồng nghỉ lại ở chân sàn. Một ngày sau, Giàng cho trâu bò để hai người làm lễ Khơi cúng ma hai nhà.
Sau ngày đó, hai người mới dám lên sàn ngồi chung bếp lửa với Giàng.
Giàng rất thương đôi vợ chồng trẻ. Một hôm, Giàng đem ra tám vắt cơm và một quả trứng gà cắt ra làm tám miếng, đưa cho vợ chồng người con trai út, bảo:
– Nay, ta phải đi chơi xa tám ngày, tám đêm. Các con ở nhà giữ nhà cho ta. Giữ nhà là giữ cái thang sàn không cho ai leo len. Giữ nhà là giữ sàn ngoài không cho con chim đến đậu, con rắn bò ngang. Giữ nhà là giữ chân sàn cho tối đến con trâu về có chỗ nó nằm, con ngựa về có chỗ nó dựa lưng, con lợn về có đất cho nó dũi làm ổ ngủ. Mỗi ngày các con chỉ ăn một nắm cơm, một miếng trứng. Lúc nào ăn hết cơm, hết trứng cha cho con gái, con rể rồi quay về mặt đất.
Nói xong, Giang biến vào trong tiếng sấm chớp ì ầm.
Vâng lời cha, hai vợ chồng người em út ở đủ tám ngày, tám đêm, làm hết mọi điều cha dặn. Khi ăn hết cơm, hết trứng, vợ chồng quay về bản cũ.
Về đến mặt đất, người em út thấy như vợ chồng mình đang lạc vào một bản có nhiều nhà cửa ngang dọc, to lớn, trâu đàn, lợn bầy nhung nhúc, lại đâm hoảng, bảo vợ:
– Em ơi! Ta đi chưa trọn tuần trăng, nay quay về chân đã lạc mất lối. Đầu mình kém nhớ hơn chân con trâu, hơn đuôi con chó.
Người vợ vui vẻ nói:
– Anh đang về đúng đường bản ta, đang vào đúng nhà ta. Cơ nghiệp này là của cho mẹ về làm giúp cho vợ chồng ta.
Người con trai mừng vui vô hạn, hai vợ chồng từ nay được sống no đủ, sung sướng.
Một tuần trăng sau, người anh đi làm xa trở về, bỗng thấy mình bị lạc vào một bản nhà giàu có, liền ù chạy vào rừng. Mãi chiều anh lần dò từng bước theo lối cũ đường xưa về lại bản, vẫn đi nhầm vào bản giàu.
Đang lúc ngơ ngẩn, bàng hoàng, người anh nghe giọng người quen gọi mình. Người anh ngoái đầu lại và nhận ra đứa em út.
Người em út chạy ra tận đường bản kéo anh lên sàn, kể hết sự tình may mắn của mình cho anh nghe. Người em bảo:
– Nay em đã có của cải nhiều. Anh em mình hết khổ rồi. Ta ở chung với nhau để làm ra nhiều của cải hơn nữa. Vợ em sẽ lo nấu cơm, lo vấn thuốc cho anh em ta.
Nghe em nói, lòng tham của người anh cứ chồm lên từng đợt như gió lớn xoáy vào thung lũng hẹp. Anh ta đưa mắt nhìn quanh, tìm xem chiếc kèn khui của người em út để ở đâu, chứ không còn lòng dạ nghe em bàn chuyện làm ăn nữa.
Người em út thấy anh ngồi lặng thinh, vầng trán đôi lúc cau cau, tưởng anh cũng đang suy nghĩ, tính toán việc làm ăn như mình, nên lặng lẽ xuống sàn đi ra rẫy.
Thấy em út đi khuất sau lối ngoặt đường bản, người anh men đến góc nhà, lấy cắp chiếc kèn khui, giấu vào gùi mình, mang ra rừng, đi về phía hẻm thung lũng xa.
Đến một vùng trảng, người anh dựng lên một chiếc chòi tồi tàn, rách nát. Ngồi trong chòi đó, anh khóc nỉ non về số phận đói khổ của mình. Hết khóc, anh ta lại lấy kèn khui ra thổi điệu buồn.
Tiếng khèn lại bay vút qua lưng đèo, đỉnh núi, lan lên vầng mây trắng, tầng mây xanh và đến tai Giàng.
Cảm động thương xót vì giọng kèn, Giàng lại cho một người con gái nhà trời về hỏi thăm.
Người con gái vừa đến chân sàn, người anh đã vồn vã chạy ra đón và kéo vào làm vợ làm chồng.
Chưa tới một ngày, người anh đã giục vợ đưa lên gặp Giàng để xin của cải, nhà cửa.
Người vợ chiều lòng chồng. Ngay tối hôm đó, hai người lẩn vào bóng đêm theo sương giá, gió lồng mà bay bổng lên trời.
Đến đầu đường bản Giàng, người anh lại giục vợ đưa mình lên gặp Giàng ngau.
Giàng nhận ra đôi vợ chồng mới, niềm nở chạy xuống đón.
Chẳng cần ý tứ, phép lệ của Giàng, người anh kéo vợ lên thẳng sàn nhà Giàng.
Người anh vừa ngồi xuống chiếu thì chiếc chiếu đã rung lên, xô người anh ngã dúi xuống. Anh ta vội nắm lấy cột sàn ngoài. Cột sàn ngoài lại lung lay như cây con giữa cơn lốc xoáy.
Hoảng quá, anh ta kéo vợ nhảy đại xuống nền đất sàn nhà, cáu kỉnh mắng vợ:
– Xứ này là xứ ma, xứ quỷ rồi.
Giàng nghe thế giận lắm. Chính anh ta không giữ đúng phép của Giàng, chưa làm lễ Khơi đã vội đưa vợ lên nhà cha mẹ vợ, lại nói xấu xứ của Giàng nữa.
Người vợ biết thế, nhưng không nói gì.
Giàng lại hiện ra trước mặt hai người, trao cho họ tám vắt cơm bằng tám quả ổi, và một quả trứng xẻ tám, bảo:
– Ta phải vắng nhà tám ngày, tám đêm. Mỗi ngày hai đứa con chỉ được ăn một nắm cơm với một miếng trứng gà. Các con ở nhà giữ nhà cho ta. Giữ nhà chỉ được ngồi sàn ngoài, uống nước ống tre, ngủ kê đầu lên bậc cửa. Giữ nhà là giữ cái thang sàn không cho ai leo lên. Giữ nhà là giữ cái sàn ngoài không cho con chim đậu, con rắn bò ngang…
Nghe Giàng nói đến đâu, người chồng gật đầu lia lịa đến đó, mà mặt mũi thì cau có ra vẻ khó chịu.
Dặn xong lời gần, lời xa, chuyện lớn, chuyện nhỏ, Giàng biến mất.
Người anh thấy vắt cơm, miếng trứng ít ỏi thì lại bực bội, cau có bảo vợ:
– Ngỡ lên Giàng được sung sướng, chớ đâu lại thiếu thốn thế này!
Gần trưa, anh ta nhồi luôn bốn vắt cơm và nửa quả trứng gà vào miệng, nhai ngấu nghiến và nuốt ực.
Thấy anh chồng tham lam và lỗ mãng, người vợ rất buồn, bỏ đi vào rừng biệt tích.
Đến chiều, người chồng lại ăn nốt số cơm, trứng còn lại, không dành cho vợ một miếng nào.
Ăn uống no nê, anh ta nghĩ lại những lời Giàng dặn có chỗ đáng ngờ. Cớ sao Giàng lại không cho vợ chồng anh vào nhà. Tại sao Giàng lại bắt anh ăn, nghỉ ở sàn ngoài, gác đầu lên bậc cửa, mà không cho ngủ bên bếp lửa?
Nghĩ suy mông lung một lúc, anh ta quyết vào nhà trong xem sao.
Trong sàn cao nhà Giàng có chất một dãy dài chum chĩnh.
Người anh tò mò, ngắm nhìn một lúc lâu, rồi mở nắp chiếc chum đầu hàng. Một con gấu lớn thò đầu ra, nhe nanh và với tay toan tát vào mặt anh ta.
Hú vía, anh nhảy lùi lại, định quay ra sàn ngoài. Nhưng lòng tham, háo hức cưỡng chế anh mãnh liệt, anh ta dè dặt đến mở nắp chiếc chum cuối hàng. Chiếc nắp vừa bung ra, liền có tám đầu rắn bật cao, lăm le mổ vào mắt, vào tay anh.
Người anh thấy vậy, vừa khiếp đảm, vừa phát cáu, chửi vung ầm nhà. Con gấu và lũ rắn thụt đầu xuống thấp, nhưng mắt chúng vẫn lừ lừ nhìn theo.
Anh bước lùi, toan ra cửa, chợt thấy có một chiếc vò đẹp nằm ở góc nhà. Anh ta lại đến gần, dùng tay nạy bật chiếc nắp ra. Một luồng ánh sáng xanh rờn mát dịu từ trong vò chiếu ra khắp nhà, làm các con vật ác đều co rúm, thụt đầu vào chum.
Nhanh tay, anh ta lấy nắp đậy kín được hai chiếc chum kia lại.
Với tất cả lòng tham lam và tò mò, anh ta chạy đến xem vật lạ trong chiếc vò đẹp.
Vò rỗng không. Đáy vò là một chiếc gương thần, soi rõ hết hang cùng ngõ hẻm ở mặt đất. Anh ta húc đầu vào vò, dán mắt vào đáy vò để được xem cho tường tận, rõ ràng.
Nhận ra con khe quen chạy dưới đường bản, dãy núi cao nơi nhà anh ta dựa lưng. Nhìn ra dãy nhà to rộng của đứa em út, anh ta cau cau vầng trán ra vẻ khó chịu, ghen tuông.
Chợt anh thấy Giàng đang phá chiếc chòi giữa rừng của anh. Giàng biến mỗi tấm lá cọ che nhà anh thành một mái nhà đẹp, biến mỗi cột nhà sàn thành dãy hàng rào quanh nương, quanh bản. Giàng ném vung từng chiếc xương thú có trong nhà anh ra khắp mặt đất. Chốc sau, mỗi chiếc xương kia lại biến thành những con trâu, con lợn chạy tung tăng khắp đường bản.
Sướng quá, anh ta reo to làm căn nhà sàn rung lên bần bật. Qua gương thần, anh ta thấy ở mặt đất, nơi vùng nhà Giàng mới dựng bỗng chốc khỏi lừa bùng cháy ngùn ngụt. Bốn phía vùng trời dưới ấy sấm chớp nổi lên ầm ầm, giần giật. Hốt quá, anh ta rụt đầu lại.
Ôi thôi! Miệng vò đã thu hẹp từ lúc nào, ôm khít lấy cổ anh ta.
Khiếp đảm vì bị bưng tai, bịt mắt trong vò chật tối om, anh ta hoảng loạn trong nhà, xô đổ vỡ cả chum chĩnh loảng xoảng, làm rắn rết, chim muông, thú dữ vung ra ngoài, chạy loạn xạ, rơi bừa xuống cả mặt đất.
Giàng biết có sự chẳng lành ở nhà, vội bay vụt lên bản trời.
Vào nhà thấy tên con rể đọi chiếc vò chạy quàng làm đổ hết chum chĩnh trong nhà và số ác thú đã biến đi cả. Giàng hiểu ngay cơn cớ về ngọn lửa cháy dưới mặt đất, Giàng càng thêm hãi hùng về những tai nạn sẽ xảy ra ở mặt đất khi lũ ác thú về tung hoành dưới đó.
Tức giận vì đứa con rể mất nết, xấu tính, Giàng vung gậy đánh tan chiếc vò trên đầu anh ta, đạp dúi luôn anh ta quay lộn nhà trở về với vùng đất đang ngun ngút cháy cằn.
Vừa chạm chân xuống đất, người anh tưởng Giàng còn đuổi theo, bèn đâm quàng, chạy chui vào bụi rậm lẩn trốn. Đến đêm, lúc mọi người ngủ, Giàng ngủ, anh ta mới rên hừ hừ, lần mò ra các vùng khe, bãi lầy mò bắt con cua, con cá ăn lót bữa. Hễ nghe tiếng động đâu đấy, anh ta lại tưởng Giàng đang rượt đuổi theo mình, nên lại chui nhanh vào bụi cây, đống cỏ lẩn trốn.
Sống len lỏi được hơn một tần trăng, thì người anh tham lam ấy rục xuống chết, biến thành con chim Thù Thì (chim Rầu Rĩ) chuyên rên hừ hừ, đi kiếm ăn lúc đêm đã về khuya, lúc mọi người và cả Giàng nữa đã ngủ yên. Ấy thế, nhưng nghe một tiếng động, tức thì chim Thù Thì lao vào bụi cây, đống cỏ trốn lủi im thin thít. Chẳng bao giờ con chim Thù Thì dám nhìn trời cao, đất rộng và dám đi ăn giữa ban ngày như muông vật khác, là bởi lẽ thế.
Sự tích chim Thù Thì – Truyện cổ dân tộc Bru – Vân Kiều
– thuvienso.com.vn –
Giới thiệu về người Bru – Vân Kiều
Người Bru – Vân Kiều (còn gọi là người Bru, người Vân Kiều, người Ma Coong, người Trì hay người Khùa) là dân tộc cư trú tại trung phần bán đảo Đông Dương gồm Lào, Việt Nam và Thái Lan.
Tại Việt Nam, họ là một dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, người Vân Kiều là một trong những dân tộc thiểu số mang họ Hồ nhằm ghi công chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người Bru vốn là cư dân nông nghiệp có trình độ tương đối phát triển, xưa kia họ tập trung sinh sống tại vùng trung Lào, sau những biến động của lịch sử diễn ra hàng thế kỷ, họ phải di cư đi các nơi. Một số đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một số đi theo hướng đông tụ cư tại vùng miền núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của Việt Nam. Khi vào Việt Nam, họ dựng làng xung quanh hòn núi Vân Kiều (núi Viên Kiều), về sau người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru, và từ đó họ còn được gọi là Bru – Vân Kiều.
Sự tích chim Thù Thì là một trong những câu chuyện cổ của người Bru – Vân Kiều, kể về nguồn gốc ra đời của loài chim này.
Kho tàng truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ Andersen, truyện cổ Grim, thần thoại Hy Lạp, v.v…. Các bé tha hồ thả hồn trong những câu chuyện hấp dẫn, kì ảo và rút ra nhiều bài học sâu sắc cho bản thân.
Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện truyền thuyết, truyện thần thoại và hàng nghìn câu chuyện dân gian nổi tiếng của Việt Nam và thế giới dành cho thiếu nhi.
Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào những cuộc phiêu lưu đầy thú vị mang đậm màu sắc thần kỳ của Thế giới cổ tích.
Sự tích chim Thù Thì [Truyện cổ tích dân tộc Bru – Vân Kiều]
Truyện Sự tích chim Thù Thì
Sự tích chim Thù Thì là truyện cổ tích của người Bru – Vân Kiều,